Tìm hiểu về chủ nghĩa hậu hiện đại

Thời Hiện Đại, cái từ có âm hưởng chừng như sẽ tồn tại mãi mãi, đã nhanh chóng trở thành một điều thuộc về quá khứ. Kỹ nghệ hoá đã nhanh chóng nhường bước cho Hậu-kỹ nghệ hoá, lao động trong nhà máy đã chuyển về tư gia và văn phòng; trong lãnh vực nghệ thuật, truyền thống của Cái Mới đang dẫn đến sự kết hợp của nhiều truyền thống.

Ngay cả những người tự cho mình là những nghệ sĩ và kiến trúc sư hiện đại cũng đang nhìn ngoái ra sau hay hai bên cạnh để quyết định xem những phong cách và giá trị nào họ sẽ tiếp tục.
Thời hậu hiện đại là thời đại của sự lựa chọn không ngừng. Đó là một thời đại không có sự chính thống nào có thể được tiếp nhận mà không có sự tự ý thức và châm biếm (irony), bởi vì tất cả mọi truyền thống dường như đều có những giá trị nhất định. Điều này phần nào là hệ quả của cái gọi là sự bùng nổ thông tin, sự tiếp cận của những kiến thức được hệ thống hoá, hệ thống truyền thông và điều khiển học toàn cầu. Đó là một thời đại không phải chỉ thuộc về những người giàu có, những kẻ chỉ biết thu thập, những kẻ du hành chiết trung qua thời gian với thật nhiều khả năng lựa chọn, nhưng hầu như thuộc về mọi cư dân ở thành thị. Chủ nghĩa đa nguyên, cái "chủ nghĩa" của thời đại chúng ta, vừa là một vấn đề lớn vừa là một cơ hội lớn: nơi mỗi người đàn ông trở thành một công dân thế giới và mỗi người đàn bà là một cá nhân được giải phóng; nơi sự lẫn lộn và lo âu trở thành tâm thế chủ đạo và sự bắt chước trở thành một hình thức phổ thông của nền văn hoá đại chúng. Đây là cái giá mà chúng ta phải trả cho thời hậu hiện đại, nó cũng nặng nề như tính chất đơn điệu, giáo điều và nghèo nàn của thời hiện đại. Nhưng, mặc dù có nhiều nỗ lực ở Iran và nhiều nơi khác trên thế giới, người ta không thể trở lại với nền văn hoá và hình thức kỹ nghệ trước đây, nhằm áp đặt một tôn giáo duy bản luận hay ngay cả một thứ chính thống giáo hiện đại được. Một khi hệ thống truyền thông toàn cầu và hình thức sản xuất điều khiển học đã xuất hiện, chúng sẽ sáng tạo nên nhu cầu của chúng và ngay cả chiến tranh nguyên tử cũng không thể đảo ngược được.


Thách đố đối với những Hamlet hậu hiện đại, đương đầu bởi một sự giàu có đến choáng ngợp, là lựa chọn và kết hợp những truyền thống tinh tuyển, là chiết trung (động từ "chiết trung", "to eclet" xuất phát từ danh từ "chủ nghĩa chiết trung", eclecticism) những khía cạnh của quá khứ và hiện đại, những khía cạnh có vẻ thích hợp nhất đối với công việc chúng ta đang làm. Những sự sáng tạo như là hệ quả của việc làm này, nếu thành công, sẽ là một sự tổng hợp đặc sắc của truyền thống; còn không thì cũng giống như thêm một món vào bữa ăn. Giữa sự kết hợp đầy tính phát minh và sự nhai lại lộn xộn, những nhà hậu hiện đại ra khơi, thường bị lạc hướng và thất bại, nhưng thỉnh thoảng họ cũng nhận ra sự hứa hẹn lớn lao của một nền văn hoá đa nguyên với rất nhiều tự do. Chủ nghĩa hậu hiện đại trên căn bản là một thứ hỗn hợp mang tính chiết trung của bất cứ truyền thống nào với những gì vừa mới qua: nó vừa là sự kế tục vừa là sự siêu việt hoá của chủ nghĩa hiện đại. Những tác phẩm xuất sắc nhất của nó có đặc điểm là mang tính lưỡng mã (double-coded) và tính châm biếm (irony), tạo thành một đặc điểm của sự lựa chọn rộng rãi, xung đột và bất liên tục của truyền thống, bởi vì tính đa tạp này tô đậm rất rõ nét chủ nghĩa đa nguyên của chúng ta. Phong cách lai ghép của chủ nghĩa hậu hiện đại đối lập với chủ nghĩa thiểu tố (minimalism) của ý thức hệ hậu kỳ hiện đại chủ nghĩa (Late-modernism) và phục hồi những gì vốn dựa trên một thị hiếu hay một tín điều độc đoán.

Ít nhất đây là những gì làm tôi xem chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu văn hoá và là một thời kỳ lịch sử. Nhưng, như bạn đọc sẽ khám phá, từ và khái niệm [hậu hiện đại chủ nghĩa] thay đổi trong suốt năm mươi qua và chỉ sáng tỏ dần trong khoảng mười năm vừa qua mà thôi. Chủ nghĩa hậu hiện đại được xem là tiến bộ trong một số lãnh vực, bị kết án là phản động và hoài cổ trong một số lãnh vực khác; nó được ủng hộ vì tính chất hiện thực trong kỹ thuật và xã hội, nhưng nó lại bị kết tội là có tính chất thoát ly. Thậm chí, thỉnh thoảng chủ nghĩa hậu hiện đại bị lên án vì tính chất hoang tưởng của nó nhưng những người bảo vệ nó lại xem chính sự thất bại ấy là một ưu điểm. [...]

Rõ ràng Leslie Fiedler là nhà văn đầu tiên đã sử dụng tiếp đầu ngữ 'hậu' (post) một cách tích cực vào năm 1965 khi ông lặp đi lặp lại như một thứ bùa chú và gắn nó với nhiều khuynh hướng cấp tiến đương thời như: "hậu nhân văn, hậu nam tính, hậu da trắng, hậu anh hùng... hậu Do Thái". Những điểm xuất phát vô chính phủ và sáng tạo từ thuyết chính thống cũng như những sự tấn công vào tính đặc tuyển, tính kinh viện và những sự đàn áp mang tính thanh giáo của chủ nghĩa hiện đại đã dẫn đến cuộc phiêu lưu hào hứng đầu tiên của văn hoá hậu hiện đại như Andreas Huyssen đã chỉ ra vào năm 1984, mặc dù Fiedler và những người khác vào thập niên 60 đã không bao giờ đưa ra lập luận này và cũng không bao giờ ý niệm hoá truyền thống. Điều này phải chờ đến thập niên 70 và những bài viết của Ihab Hassan, trong thời kỳ các phong trào cấp tiến mà Fiedler cổ vũ, oái oăm thay, đã trở thành lỗi thời, phản động, hoặc chết hẳn.

Vào giữa thập niên 1970, Ihab Hassan tự xem mình như là phát ngôn viên của chủ nghĩa hậu hiện đại (một thuật ngữ thường bị lược bỏ trong phê bình văn học). Ông gắn liền danh hiệu này với những tư tưởng thử nghiệm trong nghệ thuật và tính chất siêu kỹ thuật trong kiến trúc - như của William Burroughs và Buckminster Fuller, "Tính chất vô chính phủ, Cạn kiệt / Im lặng... Giải-sáng tạo / Giải cơ cấu / Phản đề... Liên văn bản...", nói tóm những khuynh hướng mà tôi, cùng với nhiều người khác sau này xem như là đặc trưng của thời hậu kỳ hiện đại (Late-Modern). Trong văn chương và rồi trong triết học, vì những bài viết của Jean-Francois Lyotard và khuynh hướng lược bỏ giải cơ cấu với thời Hậu hiện đại, thuật ngữ hậu hiện đại thường bị buộc chặt vào với những gì Hassan gọi là 'tính bất liên tục, tính bất định và tính nội tại'. Cái tựa đề kỳ lạ trong cuốn sách ERRING, A Postmodern A/Theology của Mark C. Taylor là đặc trưng của thể loại này vốn xuất phát từ Derrida và giải cơ cấu. Trong giới triết gia cũng có khuynh hướng xem tất cả các nhà tư tưởng hậu thực chứng như là những nhà hậu hiện đại bất kể họ có hay không có điều gì chung ngoài sự bài bác chủ nghĩa thực chứng logic hiện đại. Như vậy có hai ý nghĩa khá khác nhau đối với thuật ngữ [hậu hiện đại] và có một sự lẫn lộn phổ quát không được xác định đối với công chúng. Chính điều này và những tiền đề của một vài cuộc hội thảo gần đây về vấn đề liên hệ đã dẫn đến đề tài [bài viết này]: "Chủ nghĩa hậu hiện đại là gì?" Nó là câu hỏi và cũng là câu trả lời mà tôi muốn đưa ra và người ta phải nhìn thấy sự phát triển và vận động liên tục của câu trả lời ấy bao hàm ý nghĩa là không có câu trả lời xác định nào có thể khả hữu, ít nhất là cho đến khi nó ngừng vận động.

Trong thời niên thiếu của nó, vào thập niên 1960, văn hoá hậu hiện đại mang tính duy lý và phê phán, một vị trí thiểu số được thiết lập, chẳng hạn, bởi các nghệ sĩ nhạc Pop và các lý thuyết gia chống lại quan điểm giảm trừ nghệ thuật hiện đại, chống lại chủ nghĩa duy mỹ đang thống trị các thiết chế như Viện Bảo tàng Nghệ Thuật Hiện đại. Trong kiến trúc, Team Ten, Jane Jacobs, Robert Venturi và nhóm Advocacy Planners đã tấn công nền kiến trúc hiện đại chính thống vì tính chất đặc tuyển, sự phá huỷ đô thị, tính chất quan liêu và ngôn ngữ giản dị hoá của nó. Khoảng thập niên 1970, khi những truyền thống này lớn mạnh và thay đổi và chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một thuật ngữ chỉ một loạt các khuynh hướng, phong trào trở thành bảo thủ, duy lý và kinh viện hơn. Nhiều thủ lãnh của thập niên 1960 như Andy Warhol đánh mất chức năng phê phán và bị đồng hoá vào thị trường nghệ thuật hay các hoạt động thương mại. Trong thập niên 1980, tình hình lại thay đổi. Chủ nghĩa hậu hiện đại cuối cùng đã được giới chuyên môn, giới kinh viện và xã hội nói chung chấp nhận. Nó đã trở thành một phần của những thành tựu [văn hoá] như là bố mẹ của nó, chủ nghĩa hiện đại, và người anh kề cận của nó, chủ nghĩa hiện đại hậu kỳ, và trong phê bình văn học, nó cũng nổi lên trong ý nghĩa tương tự như là trong kiến trúc và các truyền thống nghệ thuật.

John Barth (1980) và Umberto Eco (1983), cùng với nhiều tác giả khác, định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại như một cách viết trong đó người ta có thể dùng các hình thức truyền thống một cách châm biếm (irony) hay hoán vị (displaced) để diễn tả các chủ đề bất diệt. Nó ghi nhận tính chất vững chắc của chủ nghĩa hiện đại – sự thay đổi trong thế giới quan do Nietzsch, Einstein, Freud, v.v... mang lại - nhưng, như John Barth đã nói, nó hy vọng vượt thoát khỏi những phương tiện và độc giả giới hạn vốn là những đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại: "Tác giả hậu hiện đại lý tưởng của tôi không bài bác mà cũng không bắt chước các bậc phụ huynh hiện đại của họ trong thế kỷ 20 hay các bậc tổ phụ tiền hiện đại của họ trong thế kỷ 19. Hắn có nửa đầu của thế kỷ dưới dây nịt chứ không phải trên lưng. Không sa vào sự đơn giản hoá đạo lý hay nghệ thuật, những cách viết vụng về, thói hối lộ, những sự ngây thơ thực sự hay giả vờ, hắn khao khát nhắm tới một thứ hư cấu mang tính chất dân chủ hơn là những kỳ quan nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa (theo định nghĩa và sự phán đoán của tôi) như Stories and Texts for Nothing của Beckett hay Pale Fire của Nabokov. Hắn có thể không hy vọng vươn tới và làm xúc động những người sùng mộ James Michener và Irving Wallace, đừng nói gì đến những kẻ mù chữ do bị tràn ngập bởi các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên hắn nên hy vọng vươn tới và làm vui mừng, ít nhất một phần thời gian, vượt ra ngoài phạm vi của cái Mann thường gọi là những tín đồ Ky tô giáo sơ khởi (Early Christians): những kẻ sùng mộ chuyên nghiệp nền nghệ thuật cao cấp. [...]

Nhưng bởi vì ý nghĩa và truyền thống của nó [chủ nghĩa hậu hiện đại] thay đổi, người ta không những chỉ xác định khái niệm mà còn phải chỉ ra thời điểm và bối cảnh chung quanh khái niệm ấy. Có thể nói lại thế này: tôi gọi chủ nghĩa hậu hiện đại là một thứ chủ nghĩa nhị nguyên đầy nghịch lý, hay một cái mã kép (double coding), một tên gọi lai ghép cho thấy chủ nghĩa hậu hiện đại là một sự kế tục của chủ nghĩa hiện đại và những sự siêu việt hoá của nó. Chủ nghĩa hậu hiện đại theo quan điểm của Hassan, theo cách nhìn này, hầu như chỉ là hậu kỳ hiện đại, sự tiếp nối của chủ nghĩa hiện đại trong hình thức tận cùng hay phóng đại của nó mà thôi. Vài nhà văn và nhà phê bình, như Barth và Eco, đồng ý với định nghĩa này trong khi nhiều người khác, gồm cả Hassan và Lyotard, sẽ không đồng ý. Trong cả sự đồng ý hay không đồng ý, sự hiểu biết và tranh luận này, có một tính chất biện chứng mềm dẻo giống nhau thể hiện trong phong trào mà người ta nghi ngờ là sẽ có những bước ngoạt bất ngờ trước khi nó kết thúc. Một điều chúng ta có thể chắc chắn là: bất cứ lời khai tử nào cũng quá sớm trước khi các chủ nghĩa hiện đại bị biến mất.

ST

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?