Tại sao phải đọc tương lai học?
“Tương lai học” là một thuật ngữ không lạ lẫm nhưng để tìm một định nghĩa hoàn chỉnh bằng tiếng Việt thì đó là một điều không dễ dàng một chút nào. Điều đó được thể hiện qua một số lượng hạn chế các công trình ở Việt Nam nghiên cứu trực tiếp về vấn đề này.
Khi bộ ba tác phẩm của Alvin Toffler (Làn sóng thứ ba, Cú sốc tương lai và Thăng trầm quyền lực) được chuyển sang Việt ngữ và được xuất bản ở trong nước, cùng với các cuốn sách khác được xuất bản gần như đồng thời như Thế giới phẳng của Thomas Friedman (với Chiếc Lexus và cây Oliu của ông đã được xuất bản trước đó), cuốn Sự va chạm của các nền văn minh của Samuel Huntington đã tạo ra một xung lực nghiên cứu mới trong một lĩnh vực rộng lớn bao gồm khoa học xã hội nhân văn, kinh tế học, ngoại giao, chính trị học, văn hóa học và cả công nghệ thông tin. Các vấn đề nghiên cứu chủ yếu tỏa ra xung quanh cái trục chính có thể được tóm gọn trong sơ đồ: “toàn cầu hóa – dân tộc – nhà nước và vấn đề tri thức”.
Các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực triết học chính trị, triết học xã hội, chính trị học, quan hệ quốc tế, kinh tế, công nghệ thông tin và kể cả các chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học, các chuyên gia mácxit cũng tiến hành những nghiên cứu trên lĩnh vực này. Tuy nhiên một công trình hoàn chỉnh nghiên cứu trực tiếp về Tương lai học gần như không có.
“Khái lược tương lai học” của hai tác giả Lê Thị Tuyết và Dương Quốc Quân là một trong những công trình nghiên cứu mang tính hệ thống và toàn diện đầu tiên về vấn đề tương lai học ở Việt Nam. Cuốn sách này không chỉ đáp ứng nhu cầu lý luận trong lĩnh vực nghiên cứu tương lai học ở trong nước, mà còn tạo ra một cú hích và mở đường cho một khuynh hướng nghiên cứu có phần tương đối mới mẻ hiện nay ở Việt Nam.
Được xuất bản vào tháng 6/2012 tại NXB Chính trị - Hành chính, "Khái lược tương lai học" đã tái hiện một bức tranh khá đầy đủ và nhiều màu sắc về tương lai học dưới góc nhìn của triết học lịch sử và triết học chính trị - xã hội. Các tác giả đã khảo sát vấn đề trên một không gian tư liệu dồi dào trong và ngoài nước với một lượng thông tin lớn và mang tính cập nhật.
Ba cách tiếp cận chính của “Khái lược tương lai học”
- Cách tiếp cận triết học lịch sử: Các tác giả đã nghiên cứu logic phát triển và sự tiến hóa của các tư tưởng và khái niệm cơ bản trong tương lai học gắn liền chặt chẽ với các thời kỳ lịch sử khác nhau của tư tưởng nhân loại.
- Cách tiếp cận so sánh: Sự phát triển tư tưởng tương lai học và các khái niệm cơ bản của nó cũng được tái hiện qua lăng kính so sánh,đối chiếu các quan điểm khác nhau trong các thời kỳ khác nhau. Đặc biệt là hai quan điểm có phần đối lập nhau về tương lai học giữa các nhà nghiên cứu mácxit của Liên Xô và phía bên kia là các nhà nghiên cứu tư sản phương Tây trong cuộc đấu tranh ý thức hệ của hai nửa thế giới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ trước, cho đến sự phát triển của tương lai học dưới góc nhìn của các khoa học hiện đại.
- Cách tiếp cận giá trị: Gạt bỏ những rào cản của ý thức hệ, dân tộc, quốc gia, giai cấp, các tác giả cũng đã làm rõ và nêu bật những giá trị phổ quát của tương lai học cho sự phát triển của nhân loại, cho tiến bộ xã hội, sự phát triển của tri thức, khoa học và tự do của con người.
Hạn chế của cuốn sách
Đọc cuốn sách, người đọc dễ nhận ra rằng các tác giả của cuốn sách đã dành một sự tập trung đáng kể vào việc phân tích và đánh giá về tương lai học của nhà tương lai học Alvin Toffler, đặc biệt là về thuyết kỹ trị của ông mà chưa có sự dẫn dắt và phân tích trên diện rộng các đại biểu khác của tương lai học. Nhưng nhìn logic tổng thể của cuốn sách, chúng ta có thể thấy được ý đồ của các tác giả trong việc dẫn dắt người đọc đi từ lịch sử hình thành đến phương pháp nghiên cứu, các nội dung cơ bản của tương lai học, sự phát triển của nó qua các thời kỳ và đỉnh cao đọng lại trong tương lai học của Alvin Toffler.
Đóng góp của cuốn sách ở chỗ nó đã cung cấp một bức tranh tổng thể khá hoàn chỉnh và hệ thống về tương lai học. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu và nghiêm túc của các tác giả, nhưng nó thực sự dễ đọc và dễ cảm nhận, đặc biệt đối với các độc giả không phải là những người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực triết học.
Việt Đỗ
Triết học+
Đánh giá bài viết?