Sự hình thành triết học Marx (Phần II)

2. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA FEUERBACH
Trong xu thế cải biến phương pháp của Hegel thành vũ khí chống lại tôn giáo, Ludwig Feuerbach (1804-1872) là nhân vật nổi bật nhất. Công trình Bản chất của đạo Kitô (1841)của ông có sức ảnh hưởng lớn đến các nhà Hegel trẻ lúc bấy giờ.

Giống như Bauer, Feuerbach coi tôn giáo là một hình thức của sự tha hóa. Theo ông, Thượng đế là bản chất của giống người đã được ngoại tại hóa và được phóng chiếu thành một thực thể xa lạ. Sự thông thái, tình yêu, lòng nhân từ, vốn là các thuộc tính của giống người, đã được chúng ta gán cho Thượng đế. Chúng ta càng làm giàu khái niệm của mình về Thượng đế theo cách này bao nhiêu, thì chúng ta lại càng làm nghèo chính mình đi bấy nhiêu. Giải pháp là thừa nhận rằng thần học là một thứ nhân loại học bị mô tả sai. Điều mà chúng ta tin ở Thượng đế trên thực tế chính là điều chúng ta tin ở chính mình. Vì thế, nhân loại mới có thể tìm lại được bản chất của mình, vốn đã bị đánh mất trong tôn giáo.

Công trình nói trên không gây ấn tượng mạnh đối với Marx, bởi lẽ những ý tưởng như thế này, lúc bấy giờ, ông tiếp thu từ Bauer. Chỉ các công trình sau này của Feuerbach, nhất là Luận cương sơ bộ cho việc đổi mới triết học(1843) mới có sức ảnh hưởng quyết định tới Marx, đánh dấu cho giai đoạn quan trọng tiếp theo trong sự phát triển tư tưởng của ông.


Các công trình sau năm 1841 của Feuerbach đã vượt khỏi sự phê phán tôn giáo thành sự phê phán bản thân triết học Hegel. Ông cho rằng quan niệm của Hegel xem Tinh thần là lực lượng đang vận động trong lịch sử và con người là những sự biểu hiện của nó là quan niệm đã đặt nhân loại nằm bên ngoài con người, và do đó làm cho nhân loại tha hóa khỏi chính mình; thay vì triết học phải bắt đầu từ việc xử lý các thực tại như Tinh thần, Thượng đế, cái Tuyệt đối như là những thực tại tối hậu và xem những con người bình thường, các động vật, và các đồ vật trong thế giới vật chất hữu hạn là sự biểu hiện có hạn chế và không hoàn hảo của thế giới tinh thần, triết học phải bắt đầu với thế giới vật chất hữu hạn. Không phải tư tưởng có trước sự tồn tại, mà sự tồn tại có trước tư tưởng.

Marx nắm lấy ngay cái ý tưởng đưa Hegel xuống mặt đất bằng cách dùng các phương pháp của Hegel để công kích điều kiện hiện tại của con người này. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi làm biên tập cho tờ Rheinish Gazette, Marx đã từ trời cao triết học Hegel xuống các vấn đề thực tiễn hơn như tình trạng kiểm duyệt, ly hôn, đạo luật Phổ cấm vào rừng hái củi, và tình trạng túng quẫn về kinh tế của những người trồng nho xứ Mosel. Khi tờ báo bị đình bản, Marx trở lại với triết học, ông áp dụng kỹ thuật của Feuerbach để cải biến triết học chính trị của Hegel.

Đến đây, Marx đã theo Feuerbach trong việc lý giải lại Hegel như là một triết gia về con người. Tuy nhiên, quan niệm của ông về con người lại đặt tiêu điểm vào phương diện tinh thần của họ, tức các tư tưởng và ý thức của họ. Những dấu hiệu đầu tiên của một sự chuyển đổi sang sự nhấn mạnh sau này của ông đến các điều kiện vật chất kinh tế của đời sống con người xuất hiện trong ‘Vấn đề Do Thái’ (1843). Ý tưởng nổi bật của tiểu luận này ở chỗ nó xem đời sống kinh tế, chứ không phải tôn giáo, là hình thức chủ yếu của sự tha hóa của con người. Như vậy, cũng trên con đường cải biến Hegel nhưng Marx đã lật ngược đầu xuống dưới, bằng cách dùng chữ “tiền” thay cho chữ “Thượng đế”. Không phải tôn giáo, cũng không phải triết học, mà chính tiền mới là vật chướng ngại trên con đường đi đến sự tự do của con người.

XEM TIẾP

 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?