Sự hình thành triết học Marx (Phần I)

Bài viết này lược thuật phần nội dung bàn về sự hình thành các quan niệm triết học của Karl Marx trong tác phẩm Marx: A Very Short Introduction của Peter Singer.

Khởi đầu là Marx tiếp nhận di sản triết học Hegel trong bối cảnh của phong trào cải biến Hegel và rút ra từ đó những ý niệm về diễn trình biện chứng tất yếu của lịch sử và về sự tha hóa. Tiếp thu tư tưởng của Bauer về tôn giáo và ý tưởng của Feuerbach về việc đưa triết học Hegel xuống đất, Marx tiến hành phê phán triệt để di sản này trên các mặt tôn giáo, pháp luật, chính trị, v.v., và cuối cùng đi đến chỗ khai triển hai thức nhận quan trọng: kinh tế là hình thức chủ đạo của sự tha hóa của con người và giai cấp công nhân là lực lượng vật chất cần có để giải phóng nhân loại ra khỏi sự ngự trị của tình trạng tha hóa do nền kinh tế gây ra.

1. DI SẢN CỦA HEGEL
Vào năm 1837, Marx đến với triết học Hegel, một hệ thống triết học đã chiếm một địa vị thống trị độc tôn nhất ở nước Đức thuộc giai đoạn 1830-1940. Ông đã tìm thấy nơi hệ thống triết học Hegel một nguồn suối quan trọng nhất cho sự hình thành tư tưởng của mình và gắn với nó cho đến cuối đời.

Công trình Hiện tượng học Tinh thần (1807) của G.W.F. Hegel (1770-1831) là nguồn suối tiên khởi cho sự hình thành học thuyết của Marx, cụ thể là các ý niệm về diễn trình biện chứng và tất yếu của lịch sử, và về sự tha hóa, do đó, để tìm hiểu Marx thì công trình này là manh mối đầu tiên.

Hiện tượng học Tinh thầnlần theo sự phát triển của Tinh thần từ chỗ là hiện tượng ban đầu với tính cách là các tinh thần cá biệt không tự-ý thức và không tự do đến chỗ là Tinh thần với tính cách là sự thống nhất tự do và hoàn toàn tự-ý thức. Tiến trình này không thuần túy là tiến trình lịch sử và cũng không thuần túy là tiến trình lôgic, mà là sự kết hợp lạ lùng của cả hai. Điều này cho thấy Hegel cố gắng cho thấy lịch sử là một tiến trình của Tinh thần theo một con đường tất yếu về mặt lôgic, một con đường mà nó phải đi để đạt đến mục tiêu cuối cùng của nó. Đây là một tiến trình biện chứng, qua đó Tinh thần luôn vượt qua những sự mâu thuẫn của chính mình, sự mâu thuẫn giữa tính phổ quát cố hữu và hình thức bị giới hạn của nó, vốn được Hegel mô tả như là tình trạng Tinh thần bị “tha hóa” khỏi chính mình, nghĩa là người này (một sự biểu hiện của Tinh thần) xem người kia (cũng là một sự biểu hiện của Tinh thần) là một cái gì đó xa lạ, thù địch, ở bên ngoài mình, trong khi trên thực tế họ là bộ phận của cùng một cái toàn bộ to lớn. Tinh thần không thể tự do trong tình trạng bị tha hóa, vì trong một trạng thái như thế, nó dường như vấp phải cái đối lập và những rào cản trên đường phát triển hoàn chỉnh của nó. Tiến trình phát triển biện chứng của Tinh thần luôn là tiến trình hướng đến sự tự do. Do đó, công trình này là một thiên anh hùng ca triết học đồ sộ, dõi theo lịch sử của Tinh thần từ những sự mò mẫm mù quáng ban đầu của nó trong một thế giới thù địch đến khi nó nhận ra chính mình như là chủ nhân ông của vũ trụ, cuối cùng nó đạt đến sự tự-nhận thức và sự tự do.


Di sản triết học này của Hegel ngay lập tức làm dấy lên những cuộc tranh luận trong việc tiếp nhận cũng như việc cải biến nó nơi nhóm các triết gia được mệnh danh là “các nhà Hegel trẻ”. Các nhà Hegel trẻ đã tái biên con đường đi đến sự giải phóng của Tinh thần phổ quát thành con đường đi đến sự giải phóng con người. Tuy nhiên, có vẻ như lúc bấy giờ, trong mắt các nhà Hegel trẻ, cái Tinh thần phổ quát được Hegel sử dụng theo hướng ngầm biện hộ cho sự hợp thức của chính quyền Phổ. Như vậy, di sản triết học của Hegel gồm hai phần: phần ‘biểu hiện giả tạo’ là việc ông chấp nhận nhà nước của chính trị, tôn giáo và xã hội ở Phổ đầu thế kỷ 19, và ‘phần cốt lõi bên trong’ là phần nghiên cứu của Hegel về Tinh thần đang vượt bỏ sự tha hóa, được lý giải lại như là một công việc nghiên cứu về sự tự-ý thức của con người đang giải phóng mình ra khỏi những ảo tưởng gây cản trở nó trong hành trình đi đến sự tự-nhận thức và sự tự do.

Dưới sự ảnh hưởng của Bauer, Marx xem tôn giáo chính thống như là ảo tưởng chủ yếu đang sừng sững trên con đường tự-nhận thức của con người và vũ khí chủ yếu chống lại ảo tưởng này chính là triết học; song Marx lại tỏ ra triệt để hơn Bauer khi sử dụng sự phê phán của chính Hegel về tôn giáo để rút ra kết luận rằng chính con người là kẻ đã sáng tạo ra Thượng đế và chính sự tồn tại độc lập của vị Thượng đế này làm cho con người không thể coi mình là “vị thần tối cao”. Kết luận triết học này chỉ ra một nhiệm vụ thực tiễn: phê phán tôn giáo và vạch cho con người thấy rằng Thượng đế chính là sự sáng tạo của họ, do đó, chấm dứt tình trạng phụ thuộc của con người vào Thượng đế và chấm dứt tình trạng con người bị tha hóa khỏi cái bản tính chân thực của mình.

XEM TIẾP
 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?