Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954- 1975 (P2)


Tác giảNguyễn Thị Việt Nga

               Triết học hiện sinh và văn học hiện sinh có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn đô thị miền Nam 1954 - 1975, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, thể loại thuận lợi nhất trong việc chuyển tải những vấn đề về thân phận con người qua những hình tượng nhân vật sinh động. Sự ảnh hưởng này đã mang lại cho văn học đô thị miền Nam một diện mạo riêng, trong đó có những bước tiến đáng được ghi nhận và cũng có không ít hạn chế. Bởi vậy, tiếp cận văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 cần có tinh thần “gạn đục khơi trong” một cách thực sự khoa học, công bằng


Phần 2Triết học hiện sinh ở  đô thị miền Nam 1954 - 1975

            Triết học hiện sinh du nhập vào đô thị miền Nam khá sớm. Ngay từ những năm 1955, khi triết học hiện sinh ra đời trên quê hương nó mới được vài thập kỷ  thì ở đô thị miền Nam, trào lưu triết học mới mẻ này đã bắt đầu được giới thiệu. Nhìn tổng thể, có thể tạm thời phân chia làm 2 giai đoạn hiện diện của triết học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 - 1975.

         -  Giai đoạn 1954- 1960: Từ năm 1955, chủ nghĩa hiện sinh đã có mặt ở đô thị miền Nam, trong chương trình hệ thống giáo dục tiếng Pháp, tiếng Việt ở bộ môn Siêu hình học, Đạo đức học, trong các trường đại học: Văn khoa Sài Gòn, Văn khoa Huế, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt... Trong giai đoạn này, đã có nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh chọn chủ nghĩa hiện sinh làm đề tài nghiên cứu. Nhiều tổ chức văn hoá xã hội đã tổ chức diễn thuyết về chủ nghĩa hiện sinh như Viện Văn hoá Pháp, Hội Thân hữu Văn khoa, Cơ sở Văn hoá Á Châu... Triết học hiện sinh dần dần trở thành trào lưu tư tưởng có sức hấp dẫn, lôi cuốn với đông đảo trí thức, thanh niên. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên này, triết học hiện sinh vẫn khiên tốn hiện diện trong các nhà trường là chủ yếu. Hệ tư tưởng chính thống bao trùm đô thị miền Nam giai đoạn này là chủ nghĩa duy linh nhân vị của Ngô Đình Diệm. Có rải rác một số bài viết về hiện sinh trên sách báo như "Văn chương và siêu hình học" của Nguyễn Văn Trung [37]; "Nhận định đại cương về triết học hiện hữu" của Nguyên Sa [26] ; "Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh J.P. Sartre" [18] và "Khái niệm về chủ nghĩa hiện sinh" của Quang Minh [19]; "Trình bày và phê bình hai quan điểm nổi loạn của Camus” của Thạch Chương [5]; “Vị trí của trào lưu hiện sinh trong lịch sử triết lý” của Trần Văn Toàn [31];“Albert Camus và triết lý chống đối” [15; và “Lập trường văn nghệ của Albert Camus” [16] của Cô Liêu; Nietzsche (1844 – 1940) con người siêu việt của Nguyễn Anh Linh [14] ... Tuy các bài viết về triết học hiện sinh mới xuất hiện ở mức độ “khiêm tốn” ban đầu trên báo chí, nhưng cũng đã cung cấp cho bạn đọc những vấn đề cơ bản nhất của triết lý này. Triết học hiện sinh đã được giới thiệu từ khái quát cho đến những tác giả cụ thể, để chỉ trong một thời gian ngắn, người đọc đã không còn bỡ ngỡ, xa lạ với nó nữa. Hơn nữa, thái độ của các tác giả trong những bài viết trên tỏ ra rất tán đồng những quan điểm của triết học hiện sinh. Họ coi đây là một triết lý mới mẻ, cần cổ vũ bởi nó bênh vực con người, thông cảm với những nỗi đau khổ của con người trần thế và cổ vũ con người không ngừng tiến lên để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Trong bài viết "Lập trường văn nghệ của Albert Camus", tác giả Cô Liêu chỉ rõ "Camus lấy văn nghệ làm phương tiện diễn đạt tư tưởng triết lý . Đối với ông, nghệ sỹ phải phủ nhận đời vô lý đồng thời lãnh lấy trách nhiệm nâng đời sống lên một trình độ cao hơn". Tác giả cũng khẳng định rằng triết lý hiện sinh của Camus được thể hiện trong văn chương khi được phổ biến rộng rãi sẽ có tác dụng lớn đối với các nhà văn trong nước: "Những  nguyên tắc trên đây có thể gợi cho ta nhiều ý tứ về sự sáng tác văn nghệ như đối với các vấn đề văn nghệ gia nhập và vô gia nhập, thế nào là yếu tố xây dựng trong văn nghệ, thế nào là nhân chứng của thời đại, thế nào là một tác phẩm hay" [16]. Triết lý hiện sinh ấy được Cô Liêu khai thác khá sâu và đề cao, coi triết lý ấy là "một phương pháp thức tỉnh lương tâm để tạo lập những giá trị mới cho đời sống" [15].

            - Giai đoạn 1961 - 1975: Đến khi chủ nghĩa hiện sinh được giới thiệu nhiều trên sách báo thì ảnh hưởng của nó thực sự sâu rộng và mạnh mẽ. Sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng hệ tư tưởng của nó, sự ngột ngạt, bế tắc đến cùng quẫn trong cuộc sống người dân, sự khốc liệt của chiến tranh... khiến chủ nghĩa hiện sinh có điều kiện bám rễ sâu hơn, phát triển mạnh mẽ hơn trong xã hội. Hơn nữa, khi chủ nghĩa duy linh nhân vị không còn vị trí vững chắc trong đời sống tinh thần xã hội thì chính quyền Sài Gòn đã nhắm đến chủ nghĩa hiện sinh, coi đó là thứ công cụ tư tưởng mới để thực hiện việc xây dựng nền văn hóa thực dân kiểu mới. Từ 1961 trở đi, triết học hiện sinh được giới thiệu một cách rộng rãi và có hệ thống trên báo chí. Nhiều  tác phẩm, công trình về triết học hiện sinh được xuất bản, làm sôi động, phong phú đời sống văn hoá. Từ tháng 1/1961 đến tháng 11/ 1962, tạp chí Bách Khoa đăng tải loạt bài giới thiệu về chủ nghĩa hiện sinh của tác giả Trần Hương Tử (bút danh của Trần Thái Đỉnh). Với văn phong khúc chiết, cách trình bày giản dị, dễ hiểu, những bài viết ấy nhanh chóng đi sâu vào lòng đông đảo bạn đọc. Trần Hương Tử lần lượt giới thiệu từ khái quát về triết hiện sinh đến những triết gia tiêu biểu. Ở mỗi triết gia, tác giả cố gắng nêu được những vấn đề nổi bật nhất như: Kieerkegaard-, ông tổ hiện sinh trung thực; Nietzsche, ông tổ hiện sinh vô thần; Jaspers, hiện sinh và siêu việt... Tác giả đã nhấn mạnh về sự khác biệt lớn giữa hai ngành hiện sinh hữu thần và vô thần, giữa các triết gia hiện sinh. Loạt bài viết này thể hiện sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc. Năm 1967, loạt bài này được in thành cuốn "Triết học hiện sinh". Tiếp sau đó, nhiều bài báo, nhiều công trình về triết học hiện sinh liên tiếp được giới thiệu, xuất bản. Nhiều bài báo sau này được tập hợp in thành sách. Hầu hết các tác giả triết học hiện sinh tiêu biểu như Kierkegaard, Heidegger, Nietzsche, Sartre... đều lần lượt được giới thiệu.

            Không chỉ đơn thuần giới thiệu nội dung chính của triết học hiện sinh hay tinh thần chung của mỗi triết gia mà triết học hiện sinh còn được nghiên cứu sâu, soi chiếu dưới nhiều lăng kính, đối chiếu với các tư tưởng triết học khác để tìm ra sự độc đáo hay những nét tương đồng, đặc biệt triết hiện sinh  hay được các tác giả đặt trong cái nhìn đối sánh với tư tưởng Phật giáo. (Điều này cũng có nguyên do, trước khi triết học hiện sinh cắm rễ sâu trong lòng xã hội đô thị miền Nam thì đạo Phật đã có ảnh hưởng rất rộng rãi tại đây). Người ta nhận thấy tư tưởng của Phật giáo và tư tưởng hiện sinh có nhiều nét gần gũi nhau, như quan niệm về cuộc đời bể khổ, thân phận con người bé nhỏ, bơ vơ... Những bài viết nhìn triết học hiện sinh trong cái nhìn đối sánh với Phật giáo có thể kể đến: "Vào đạo Phật qua lối ngõ của J.P. Sartre" của Thích Đức Nhuận [20];"Nietzsche và Mật Tông" của Ngô Trọng Anh [4]; "Đức Phật và Nietzsche" [7]; và "Trầm tư về cái chết trong tư tưởng Heidegger và Phật giáo" của Chơn Hạnh [8]... Những vấn đề của triết học hiện sinh được lật đi lật lại, soi chiếu từ triết gia này sang triết gia khác, như: "Thời gian qua Kant, Hegel và Huserl" của Ngô Trọng Anh [3]; "Từ dự phóng triết học Husserl đến dự phóng triết học Heidegger" của Trần Công Tiến [30]..

            Nếu như giai đoạn trước, triết học hiện sinh mới chỉ được giới thiệu qua các bài báo thì đến giai đoạn này có nhiều công trình "dài hơi" nghiên cứu về nó, tiêu biểu như: Lê Tôn Nghiêm với các cuốn Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương [22]; Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger [21]; Những vấn đề triết học hiện đại [23]; Lê Thành Trị với chuyên khảo Hiện tượng luận về hiện sinh [36] , Triết học tổng quát [38]; Nghiêm Xuân Hồng với Nguyên tử, hiện sinh và hư vô [10], Bùi Giáng với Tư tưởng hiện đại [9] ... Rồi các nhà nghiên cứu Tam Ích, Vũ Đình Lưu, Thế Phong, Nguyễn Trọng văn, Đặng Phùng Quân, Huỳnh Phan Anh, Trần Xuân Kiêm, Trần Công Tiến, Nguyễn Quốc Trụ... cũng đóng góp nhiều công trình, bài viết về triết học hiện sinh, khiến cho triết học hiện sinh trở thành trào lưu tư tưởng được quan tâm nhất trong giai đoạn này.

            Thái độ của các nhà nghiên cứu trước triết học hiện sinh là sự cổ vũ, trân trọng, đồng tình và cả những cố gắng để "minh oan" cho nó, khi trong xã hội, nhiều người lên án hiện sinh bởi phần "bọt bèo" của nó. Trong "Lời nói đầu" của cuốn "Triết học hiện sinh" xuất bản năm 1967, Trần Thái Đỉnh đã chỉ ra hai thái độ đối với triết hiện sinh: "Giới bảo thủ không biết rõ bộ mặt triết hiện sinh ra sao, nhưng nơm nớp coi nó như một thứ dịch tả, một thứ vi trùng gieo rắc ngông cuồng và phá phách. Giới thanh thiếu niên phần nhiều cũng chưa hiểu thế nào là triết hiện sinh, nhưng hăng nồng chào đón nó như một tin vui đang về, một tin còn hoang mang mơ hồ, nhưng chính vì thế mà dễ làm thỏa mãn ước mơ của họ" [6,10]. Quan điểm của Trần Thái Đỉnh là: "Triết học hiện sinh có thể nguy hiểm và xấu nữa. Nhưng nguy hiểm ở chỗ nào và xấu ở chỗ nào? Bao lâu chúng ta chưa nói một cách đứng đắn và đích xác, thanh thiếu niên vẫn chưa nghe lời chúng ta, và mối nguy hiểm vẫn cứ còn mãi. (...) thuyết hiện sinh có chứa đựng rất nhiều mầm mống tốt trộn lẫn với mầm mống xấu: chính vì những vẻ tốt đẹp kia đã quyến rũ thanh thiếu niên, nhưng vì họ chưa đủ tinh tường để phân biệt, cho nên họ nuốt luôn cả những chất độc pha trộn nơi đó" [6,15- 16]. Bởi vậy, Trần Thái Đỉnh chủ trương "phân biệt rõ ràng" trong mọi sự khen chê, để triết hiện sinh được hiểu đúng, đánh giá đúng. Trong "Lời nói đầu" của cuốn "Hiện tượng luận về hiện sinh", tác giả Lê Thành Trị cũng bày tỏ ý kiến tương tự: "Không riêng gì ở Việt Nam mà hầu như khắp nơi trên thế giới hai chữ hiện sinh thường được hiểu như là một lối sống kỳ dị, đam mê, buông trôi, thác loạn, bất chấp dư luận và đạo đức (...) Và dưới những bộ mặt ấy hiện sinh đang bị Đạo đức và Truyền thống dân tộc ngó nhìn với những cặp mắt nghi ngờ, khinh miệt (...) Nhưng nếu hiện sinh chỉ có thế thôi thì dư luận quả đã không mấy bất công đối với những tên tuổi đã trực tiếp hay gián tiếp khai sinh ra phong trào hiện sinh và chúng tôi cũng đã không mấy được khuyến khích cố gắng để có thể gửi đến quý liệt vị cuốn lược khảo này". Ông đánh giá triết học hiện sinh là "triết lý của những cá nhân lỗi lạc ở thế kỷ  hai mươi" [36,6] và bày tỏ "Viết cuốn sách này chúng tôi không có hoài vọng nào khác hơn là giúp một số người muốn tìm hiểu  ý nghĩa đích thực của triết thuyết hiện sinh". [36,6]

            Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của các triết gia hiện sinh được dịch và giới thiệu rộng rãi như Heidegger với các tác phẩm: Siêu hình học là gì [59]; Triết lý là gì [60]; Hữu thể và thời gian [58]; Về thể tính của chân lý[57]; Thư về nhân bản chủ nghĩa [61]; A. Camus với Con người phản kháng [55]; Sương tỳ hải [45]; Bạo chúa Caligula [54]; Bề trái và bề mặt [46]; Dịch hạch [48]; Giao cảm [47]; Sa đọa [49]; Ngộ nhận [50]; Sứ mệnh văn nghệ hiện đại [53]; J.P. Sartre với: Buồn nôn [71]; Bức tường [70]; Sự đã rồi [67]; Những bàn tay bẩn [66]; Schopenhauer với Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết [72]... Những tác phẩm ấy được dịch và xuất bản rộng rãi đã đưa triết học hiện sinh đến với công chúng độc giả đô thị miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về triết học hiện sinh.

            Những công trình nghiên cứu về triết học hiện sinh của các tác giả nước ngoài cũng được xuất bản, giới thiệu rộng rãi như: Chủ nghĩa hiện sinh của Foulquie (Thụ Nhân biên soạn, Nhị Nùng xuất bản, SG, 1965), Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại của Môroa Ăngđrê (Tràng Thiện dịch, Thời Mới xb, SG, 1964), Những chủ đề triết hiện sinh của Mounier (Thụ Nhân dịch, Nhị Nùng xb, SG, 1970)...v v

            Từ 1960 trở đi, chủ nghĩa hiện sinh là trào lưu triết học được nhắc tới nhiều nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong xã hội. Tuy nhiên, có sự đa dạng trong cách tiếp nhận, đánh giá và lý giải chủ nghĩa hiện sinh thời kỳ này. Có những người ủng hộ hiện sinh hữu thần, nhưng lại có người theo hiện sinh vô thần. Cùng trong hiện sinh vô thần, có người thích Sartre, người lại say mê Camus. Người đề cao khía cạnh này, người chú trọng khía cạnh kia của chủ nghĩa hiện sinh... Điều đó không  có gì lạ lùng, bởi bản thân chủ nghĩa hiện sinh cũng đã "có ba bề bốn mối hiện sinh"[6,65]. Ngay Trần Thái Đỉnh, một trong những tác giả đầu tiên dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, giới thiệu triết học hiện sinh cũng thừa nhận sự nhìn nhận của mình đối với các triết gia hiện sinh đôi khi vẫn còn lầm lẫn. Khi tập hợp những bài báo về triết hiện sinh in thành sách, ông đã thừa nhận sự thiếu sót của mình khi đánh giá triết gia Heidegger: "Hôm nay, xem lại các bài đó để in thành sách, tôi cảm thấy đã quá thiếu sót đối với triết Heidegger. Thú thật hồi đó tôi còn chịu ảnh hưởng một số giáo sư của tôi ở Ba Lê, nhất là R.Verneaux: các ngài gọi triết Heidegger có khuynh hướng vô thần và tiêu cực. (...) Riêng tôi rất tiếc đã chỉ dành cho triết Heidegger một chỗ quá hẹp hòi trong khuôn khổ những bài này. Giá có thể viết lại những phần này, chắc tôi phải dành phần xứng đáng nhất cho Heidegger"[6,12-13]. Sự lật đi lật lại vấn đề này chứng tỏ rằng triết học hiện sinh được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ, công phu và nghiên túc.

            Chủ nghĩa hiện sinh ảnh hưởng lớn lao đến mọi mặt đời sống xã hội: lý thuyết triết học và văn học; sáng tác văn học; thái độ sống của con người ... Đặc biệt là trong sáng tác văn học, ảnh hưởng của triết học hiện sinh rõ hơn bao giờ hết. Trong sự ảnh hưởng đó, kể cả trên lĩnh vực đời sống xã hội lẫn sáng tác văn học nghệ thuật, có những ảnh hưởng tích cực và có không ít ảnh hưởng tiêu cực. Thậm chí, có những lúc, có những tác giả, sự ảnh hưởng tiêu cực lại là chủ yếu. Trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, ảnh hưởng tiêu cực của triết học hiện sinh, kết hợp với ảnh hưởng mặt trái của phân tâm học khiến cho nhiều lúc sự nhìn nhận về văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975 không tránh khỏi những thành kiến nhất định.

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?