Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954- 1975 (P3)


Tác giảNguyễn Thị Việt Nga

               Triết học hiện sinh và văn học hiện sinh có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn đô thị miền Nam 1954 - 1975, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, thể loại thuận lợi nhất trong việc chuyển tải những vấn đề về thân phận con người qua những hình tượng nhân vật sinh động. Sự ảnh hưởng này đã mang lại cho văn học đô thị miền Nam một diện mạo riêng, trong đó có những bước tiến đáng được ghi nhận và cũng có không ít hạn chế. Bởi vậy, tiếp cận văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 cần có tinh thần “gạn đục khơi trong” một cách thực sự khoa học, công bằng



Phần 3:  Văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 - 1975
          Cùng với triết học hiện sinh, văn học hiện sinh cũng được giới thiệu khá nhiều ở đô thị miền Nam 1954 - 1975 và có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học giai đoạn này. Có thể nói, sự du nhập của văn học hiện sinh vào đô thị miền Nam song song với triết học hiện sinh. Ngay từ những năm 1955 - 1960, cùng với việc các triết gia hiện sinh tiêu biểu được giới thiệu trên báo chí thì những tác phẩm văn học chuyển tải tư tưởng triết học của họ cũng xuất hiện tại đô thị miền Nam (phần lớn các triết gia hiện sinh tiêu biểu đều là những nhà văn xuất sắc). Thời gian đầu, các tác phẩm văn học hiện sinh chủ yếu được giới thiệu trên báo, tạp chí, và thể loại truyện ngắn được "ưu tiên" hơn cả, do dung lượng phù hợp với khuôn khổ báo chí. Đây cũng là bước "dọn đường" ban đầu, bước "thăm dò" bạn đọc để rồi sau văn học hiện sinh có chỗ đứng khá chắc chắn trong đời sống văn học đô thị miền Nam.

            Sang giai đoạn 1961 - 1975, các tác phẩm văn học hiện sinh "dài hơi" hơn được dịch và xuất bản. Nhiều bài viết giới thiệu khái quát về sự nghiệp sáng tác của các nhà văn hiện sinh được đăng tải trên báo chí. Tập san Văn ra những số chuyên đề về những nhà văn hiện sinh: tập san 2 (ngày 15/1/1964) là số đặc biệt về A. Camus; tập san 17 (ngày 1/9/1964) là số đặc biệt về J.P. Sartre; tập san 19 (1/10/1964) là số đặc biệt về A. Maurois; tập san 20 (15/10/1964) là số đặc biệt về A. Malraux...v v. Những số đặc biệt ấy bao giờ cũng dành 2/3 số trang để nói về các tác giả hiện sinh được giới thiệu, từ tiểu sử, văn chương đến các tác phẩm dịch sang tiếng Việt... giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ về văn nghiệp của họ. Nếu các tạp chí: Sáng Tạo, Bách Khoa, Đại Học Huế có công giới thiệu triết học hiện sinh sớm nhất, nhiều nhất thì tập san Văn lại có công giới thiệu văn học hiện sinh khác kỹ càng.

            Các nhà văn hiện sinh được dịch nhiều nhất ở đô thị miền Nam 1954 - 1975 là: J.P Sartre, A. Camus, F. Sagan, S. Beckett… Không chỉ được dịch, được giới thiệu với đông đảo bạn đọc, những tác phẩm văn học hiện sinh còn thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu phê bình ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975. Năm 1960, sau khi nhà văn Camus từ trần, tác giả Thạch Chương đã “trình bày và phê phán hai quan niệm nổi loạn của Albert Camus” trên Tạp chí Sáng Tạo [5]. Ông đề cao vị trí, vai trò của Camus trong bối cảnh chung của văn chương châu Âu: “Giữa hoàn cảnh xã hội lạc loài của nước Pháp hậu chiến, giữa khí hậu trí thức bi quan mà phát hiện sinh ngự trị, giữa những tiếng đe dọa phá hủy của trường siêu thực, và trong viễn ảnh của một mùa đông dài tăm tối của Đệ Tam Quốc Tế, Albert Camus, một hình bóng trơ trọi hiện lên như một tia nắng ấm hy vọng của Âu châu”[5]. Thạch Chương một mặt nhất trí với quan niệm nổi loạn của Camus, mặt khác lại không đồng tình với thái độ ôn hòa của nhà văn, vì “nó là một cái cớ để mọi người khoanh tay, nhất là hàng ngũ bảo thủ”. Vẫn viết về Camus, cuốn “Văn chương và lưu đày” của Đặng Phùng Quân nhấn mạnh tâm cảm lưu đày trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là cuốn “Người nổi loạn”.  Tác giả Cô Liêu có bài “Lập trường văn nghệ của Albert Camus” [16]. Tác giả Đặng Tiến có bài “Gặp gỡ giữa Ôn Như Hầu và Albert Camus”[28]… Các tác giả văn học hiện sinh khác và tư tưởng văn chương của họ cũng được nghiên cứu, giới thiệu nhiều qua các công trình, bài viết: “Lịch sử của cảm giác buồn nôn trong văn chương phương Tây” của Trần Thiện Đạo (Văn, số 17/ 1964); “Cuộc phiêu lưu tư tưởng của văn học Âu châu thế kỷ XX” của R.M. Albérè (Vũ Đình Lưu dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, SG, 1971); “Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại” của Hoàng Ngọc Biên (Trình Bầy xuất bản, SG, 1969); “Mổ xẻ nhà văn hiện sinh Jean Paul Sartre” của Nguyễn Quang Lục (Hoa Muôn Phương xuất bản, SG, 1970); “Văn học thế giới hiện đại” của Bửu Ý (An Tiêm xuất bản, SG, 1973); các bài viết về Samuel Backett, J.P. Sartre của Huỳnh Phan Anh trong cuốn “Đi tìm tác phẩm văn chương” (Đồng Tháp xuất bản, SG, 1972… vv. Những công trình, bài viết này đã góp phần "cổ vũ" cho văn học hiện sinh, khiến văn học hiện sinh được truyền bá rộng rãi hơn.

            Xã hội đô thị miền Nam 1954- 1975 đã là mảnh đất màu mỡ cho triết học và văn học hiện sinh cắm rễ.

(Còn nữa)

Phần1: Bối cảnh lịch sử xã hội, văn hóa của đô thị miền Nam 1954- 1975
Phần 2: Triết học hiện sinh ở  đô thị miền Nam 1954 - 1975
Phần 4: Ảnh hưởng của triết học và văn học hiện sinh đối với văn học đô thị miền Nam 1954- 1975


Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?