Samuel Barklay Beckett
Samuel Barklay Beckett (13 tháng 4 năm 1906 – 22 tháng 12 năm 1989) là nhà văn, nhà viết kịch Ireland đoạt giải Nobel Văn học năm 1969. Samuel Beckett sáng tác bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Tiểu sử
Samuel Beckett là con út trong một gia đình doanh nghiệp. Ông học ở nhà rồi vào học trường nội trú ở thành phố nhỏ Enniskillen; học tiếp trường Cao đẳng ở Dublin, khoa Văn học Hiện đại; học tiếng Pháp, tiếng Ý tại học viện Trinity tại Dublin. Tốt nghiệp, Beckett dạy học ở Belfast, sau đó đến Paris, kết bạn và giúp đỡ nhà văn đồng hương mắt lòa James Joyce hoàn thành tiểu thuyết Ngày giỗ Finnegan. Năm 24 tuổi ông trở lại học viện Trinity làm giảng viên. Từ năm 1932 Beckett đã xuất bản thơ và tiểu luận nhưng ít được chú ý. Trong thập niên 1930, để thoát khỏi không khí ngột ngạt trong nước ông đã ra nước ngoài và đi du lịch nhiều nơi. Năm 1937 Beckett định cư ở Paris, làm quen với người bạn đời tương lai (kết hôn năm 1961) là nữ nghệ sĩ dương cầm Suzann Dumesni; trong thời kì quân Đức chiếm đóng, ông tham gia phong trào kháng chiến. Năm 1942 Beckett cùng bạn gái chạy trốn bọn Ghestapo đến làng Russiona ở miền Nam nước Pháp, làm công nhân nông nghiệp. Cùng thời gian này ông viết tiểu thuyết Watt (hình thức chơi chữ: từ "What", tên nhân vật chính, trong tiếng Anh có nghĩa là "cái gì") nói về những gắng gỏi vô ích của một người muốn sống hợp lí trong thế giới phi lý. Đây là tác phẩm cuối cùng của Beckett viết bằng tiếng Anh, về sau ông sáng tác bằng tiếng Pháp, trong đó có bộ ba Molloy (1951), Malone meurt (Malone hấp hối, 1951) và L'innommable (Không thể gọi tên, 1953) là những thử nghiệm ngôn ngữ thể hiện những tìm tòi của nhà văn. Đề tài về tính chất phi lí của sự tồn tại xuyên suốt toàn bộ sáng tác về sau của ông, gồm cả những vở kịch truyền thanh và truyền hình.
Mặc dù tiểu thuyết chiếm chỗ quan trọng trong sáng tác của Samuel Beckett nhưng làm ông nổi danh thế giới lại là vở kịch En atttendant Godot (Đợi Godot) sáng tác bằng tiếng Pháp (viết năm 1946, công diễn năm 1953, xuất bản bằng tiếng Anh năm 1954 dưới tên Waiting for Godot). Cùng với thể loại kịch hoàn toàn mới - bị tước bỏ ý nghĩa và hành động kịch - Beckett đã đưa triết học hiện sinh chủ nghĩa lên sân khấu và gây sự kích động mạnh mẽ trong công chúng và cả giới phê bình. Lúc này tất cả các tiểu thuyết của ông đều được theo dõi chăm chú. Fin de partie (Tàn cuộc chơi) là vở kịch thành công lớn thứ hai của ông. Năm 1966 ra đời tiểu thuyết cuối cùng của Beckett Comment c'est (Như điều đó).
Năm 1969 Samuel Beckett được đề nghị tặng giải Nobel vì toàn bộ những tác phẩm văn xuôi và kịch. Trong những năm tiếp theo ông viết các vở kịch một hồi; tự dàn dựng một số tác phẩm của mình; năm 1978 ông in một tập thơ ngắn. Ông mất ở Paris.
Tác phẩm
• Whoroscope (1930), tiểu luận
• Proust (1931), tiểu luận
• More pricks than kicks (Châm chọc nhiều hơn đấm đá, 1934), tập truyện ngắn
• Murphy (1938), tiểu thuyết
• Molloy (1951), tiểu thuyết
• Malone meurt (Malone hấp hối, 1951), tiểu thuyết
• Watt (1953), tiểu thuyết
• En atttendant Godot (Đợi Godot, 1953), kịch
• L'innommable (Không thể gọi tên, 1953), tiểu thuyết
• Fin de partie (Tàn cuộc chơi, 1957), kịch
• Krapp's last tape (Cuốn băng cuối cùng của Krapp, 1958), kịch
• Happy days (Những ngày tươi đẹp, 1961), kịch
• Play (Trò chơi, 1963), kịch
• Come and go (Đến và đi, 1966), kịch
• Eh, Joe (Này, Joe, 1966), kịch
• Premier amour (Tình đầu, 1970), tiểu thuyết
• Meercier et Camier (Meercier và Camier, 1970), tiểu thuyết
• Not I (Không phải tôi, 1973), kịch
• Comment c'est (Như điều đó, 1969), tiểu thuyết
• Mirlitonnades (Thơ, 1978)
• Company (Hãng, 1978), truyện
• All strange away (Đả đảo tất cả những gì kì lạ, 1979), kịch
• Rockaby (1981)
• Ohio impromptu (Ứng khẩu Ohio, 1981)
(Nguồn Wikipedia)
Đánh giá bài viết?