Những nét chính của chủ nghĩa thực dụng Mỹ
Chủ nghĩa thực dụng Mỹ là một trào lưu triết học mang màu sắc đặc biệt Mỹ, là một đóng góp đáng kể vào lịch sử triết học của thế giới và sự hình thành nền văn hóa Mỹ.
Ngày nay, nước ta mở cửa để hội nhập cộng đồng quốc tế mà nước Mỹ là một thành viên quan trọng của nó. Cho nên, khi thực hiện giao lưu văn hóa với thế giới, chúng ta không thể không biết tới chủ nghĩa thực dụng, vì chủ nghĩa thực dụng thấm sâu không chỉ vào lối sống mà cả vào hoạt động khoa học, kỹ thuật, kinh tế của nước Mỹ và nhiều nước khác.
Khi nền kinh tế thị trường của chúng ta phát triển, trong một bộ phận thanh niên nảy sinh một số nét tâm lý “thực dụng” xem ra không lành mạnh, đi ngược với truyền thống, đạo đức của chúng ta. Chữ “thực dụng” trong ngôn ngữ Việt Nam thuộc tiếng nó thông thường có những biểu cảm riêng không thể nào trùng hợp với “thực dụng” ở tư cách một trào lưu triết học có chiều dày khái niệm của nó. Sự nhầm lẫn đó vừa không có lợi cho việc khắc phục có hiệu quả những mặt tiêu cực trong đời sống tâm lý của ta mà cũng không cho phép ta hiểu thấu đáo được một trào lưu triết học của thế giới.
1. Điều kiện ra đời của chủ nghĩa thực dụng Mỹ
Có những nền triết học mang tính phổ quát, nhiều dân tộc đều có thể sử dụng nó như một “công cụ”. Nhưng trước hết, sinh ra từ một dân tộc nào, triết học ấy vẫn có một bản sắc, một “căn cước” khó lầm lẫn với dân tộc khác. Nếu nước Anh là cái nôi của chủ nghĩa vị lợi, nước Đức là hiện tượng học, nước Pháp của chủ nghĩa cấu trúc thì nước Mỹ là chủ nghĩa thực dụng. Nhận biết được hai mặtđó của triết học của một dân tộc là đi gần tới cái “quốc tồn” và cái “thế giới tồn” của nó.
Chủ nghĩa thực dụng là một trào lưu triết học mang màu sắc Mỹ vì nó ra đời từ những điều kiện lịch sử đặc thù của nước Mỹ.
Nước Mỹ hình thành từ làn sóng di dân của “tứ chiếng” dân tộc từ nhiều nước trên thế giới. Mỗi nhóm di dân đều mang theo truyền thống văn hóa trong đó có triết học của mình. Ở đây, họ không phải đương đầu với chủ nghĩa phong kiến và ý thức hệ của nó như khi còn ở “quê nhà”, vì đây là một “đất hứa” chưa có chủ. Từ tình hình đó, một thể chế chính trị về dân chủ, tự do, về quyền con người cũng được phát triển thuận lợi đẩy đà cho sự phát triển. Mảnh đất màu mỡ chưa khai phá này cho phép người ta không phải khốc liệt “đấu tranh sinh tồn” như ở nhiều nơi khác. Một ý thức hệ của một cộng đồng mới cần hình thành, không thể lấy món ăn tinh thần xa lạ, cũ kỹ của Châu Âu (như chủ nghĩa duy linh, chủ nghĩa thực chứng...). Trước sức hút về niềm tin đó, các ý thức hệ cũ của nhóm di dân cũng mau chóng phai mờ để tất cả hợp lưu trong một dòng chảy mới là chủ nghĩa thực dụng.
Đối với bất cứ trào lưu triết học nào, dù hình thành một cách độc lập ra sao thì với tư cách là một triết học, nó không thể không bắt nguồn từ những tài liệu trong quá khứ. Các nhà triết học thực dụng thường viện dẫn từ triết học cổ đại với Socrate, Protagoras, Platon đến triết học hiện đại với F.Bacon, B.Spinoza, J.Locke, G.Berkeley, D.Hume, I.Kant, J.S.Mill.
Triết học nào cũng có một lôgíc nội tại của nó, nếu cứ nhất nhất bảo nó là “chiết trung”, là “pha trộn” thì chưa hẳn đã là thỏa đáng.
Chủ nghĩa thực dụng là một “đặc sản” Mỹ, nhưng không có nghĩa là nó “cấm cửa” các trào lưu triết học khác từ Châu Âu truyền vào như Triết học phân tích, Hiện tượng học, Chủ nghĩa hiện sinh. Chủ nghĩa thực dụng không những không bị đẩy vào “sân sau” mà còn “lấn chiếm” các triết học mới hội nhập đó. Chủ nghĩa thực dụng làm cho các loại triết học đó mang thêm màu sắc thực dụng. Nói cách khác, các triết học của nước ngoài đó đã được các nhà thực dụng Mỹ phát triển một cách đặc thù làm cho tất cả trở thành văn hóa Mỹ.
Là “tinh lực của thời đại”, triết học khai mở cho khoa học và đến lượt mình, khoa học lại ảnh hưởng đến triết học. Trong đường thời, lý thuyết tiến hóa và tiếp sau đó là vật lý học, hóa học, địa chất học, sinh vật học, tâm lý học... đều phát triển mạnh mẽ, đều làm nổi lên những mặt khác nhau của tính chủ thể của con người mà triết học trong đó có chủ nghĩa thực dụng lấy làm đối tượng.
Người khởi xướng chủ nghĩa thực dụng Mỹ là Charles Sander Peirce. Năm 1870, với tác phẩm Lý thuyết về ý nghĩa (A theory of meaning), ông đặt cho lý thuyết của mình cái tên là “chủ nghĩa duy thực dụng” (Pragmaticism) lấy từ nghĩa là hành vi, hành động (chữ “chủ nghĩa thực dụng” do một người nào đó ở nước ta lấy từ một thuật ngữ của Trung Quốc. Nhưng trong tiếng nói hàng ngày của ta, từ “thực dụng” mang một nghĩa xấu (sens péjoratif) và không sát với chữ paragma tức hành vi, hành động. Có người muốn dùng từ “hành dụng”). Ông cho rằng, chỉ có khái niệm này mới làm rõ được bản sắc của lý thuyết của mình và tránh được sự vay mượn không cần thiết.
Năm 1898, William James kế thừa Peirce và là người đầu tiên đưa ra tên “chủ nghĩa thực dụng” (Pragmatism). Ông phát triển những nguyên tắc, phương pháp luận của Peirce thành một hệ thống lý luận song song với việc phân tích những vấn đề cụ thể.
John Dewey kế thừa hai người trước, làm cho chủ nghĩa thực dụng thâm nhập sâu rộng vào đời sống văn hóa thông qua những thành tựu về xã hội học, tâm lý học, giáo dục học và chính trị học. Ông được coi là nhà triết học hiện đại kiệt xuất của nước Mỹ.
Ngay trong thời kỳ “vàng son”, thời kỳ ra đời của chủ nghĩa thực dụng, các nhà sáng lập chủ nghĩa thực dụng trong một thời gian không ngắn còn tranh luận với nhau về khái niệm “thực dụng” và cũng không khỏi bộc lộ những lúng túng, những lầm lẫn. Đến mức năm 1908, Arthur O.Lovejoy đã tìm ra đến 13 thứ chủ nghĩa thực dụng và Schiller thì cho rằng có bao nhiêu người thích “thực dụng” thì có bấy nhiêu chủ nghĩa thực dụng. Nhưng không nên coi tính đa dạng trên trong phong trào thực dụng là tai hại, là bất lợi cho sự hình thành một học thuyết. Trái lại, điều đó đã nói lên tính năng động của một cuộc vận động có sức sàng sảy những tạp chất để kết tụ lại những gì là giá trị làm rường cột, làm nguyên lý bền vững cho một lý thuyết triết học.
2. Những nguyên lý trục của chủ nghĩa thực dụng Mỹ
Những khái niệm Kinh nghiệm thực tiễn là điểm xuất phát của chủ nghĩa thực dụng.
Chủ nghĩa thực dụng muốn khắc phục chủ nghĩa nhị nguyên trong triết học truyền thống luôn đối lập kinh nghiệm và tự nhiên, xem hai bản nguyên đó là hai lĩnh vực khác nhau. J.Dewey đề xuất lý luận mang tên “chủ nghĩa kinh nghiệm tự nhiên” cho rằng chủ thể và đối tượng, vật hữu cơ và hoàn cảnh, kinh nghiệm và tự nhiên gắn với nhau thành một chỉnh thể thống nhất, không thể chia cắt, mối liên hệ giữa chúng mang “tính liên tục”.
Từ “chủ nghĩa nhất nguyên” trên, chủ nghĩa thực dụng mở rộng khái niệm kinh nghiệm theo hiện tượng học. Người ta cho rằng, kinh nghiệm không chỉ mang lại một ý nghĩa do nhận thức mà còn có một ý nghĩa nữa do vô thức đưa lại (ví như ý chí, tưởng tượng, tín ngưỡng,..). Kinh nghiệm không chỉ bộc lộ khuynh hướng chủ nghĩa duy lý mà còn chủ nghĩa phi duy lý.
Ý nghĩa như Peirce nói không phải vốn có của đối tượng, ký hiệu không chỉ là ký hiệu (signs are signs) mà là những cách thức được xã hội đưa lại, là những giá trị do con người thông qua thực tiễn tạo ra để mặc vào cho đối tượng.
Thực tiễn, theo chủ nghĩa thực dụng là hành động, là hành vi của con người với tư cách là vật hữu cơ chịu sự kích thích của hoàn cảnh và phản ứng lại hoàn cảnh. Kích thích - phản ứng chính là nội dung cơ bản của kinh nghiệm. Sự phản ứng của thực tiễn của con người không chỉ bằng bản năng mà tư duy, suy luận cũng là một phản ứng của một kích thích đặc thù.
Chủ nghĩa ngẫu nhiên (tychisme) do Peirce đề xướng nhằm minh chứng cho tính tiềm ẩn, tính tự phát, tính khả năng mạnh mẽ của kích thích phản ứng trong thực tiễn, trong hành động của con người. Đã là “con người trí tuệ thì bao giờ nó cũng chỉ quan tâm tới “ý nghĩa kinh nghiệm” hành động của nó không thể không tạo nên những “hậu quả thực tiễn” (pratical consequences) mang tính hữu ích (usefulness), tính tác dụng (workability). Những kết quả thực tiễn đó (pratical result) là những ý nghĩa, những giá trị cơ bản, cảm nhận được đến mức James gọi đó là “giá trị tiền mặt” (cash value).
Tất cả các nhà thực dụng đều nhất trí rằng giá trị thực tiễn đó là tiêu chuẩn của chân lý. Chân lý như vậy là cụ thể, là tương đối, không thể có chân lý tuyệt đối, trừu tượng.
Dường như đoán trước những kẻ bất lương sẽ sử dụng lý luận về chân lý nói trên về chủ nghĩa công cụ(instrumentalisme) của mình để biện hộ cho những mục đích vụ lợi tầm thường. John Dewey khẳng định những hiệu quả thực tiễn không phải nhằm thỏa mãn nhu cầu cho một cá nhân, một “tiểu nhân” nào mà cho con người, cho đại chúng. Luận đề này mang màu sắc nhân bản rõ ràng.
Chủ nghĩa thực dụng phê phán lý luận về chân lý của chủ nghĩa duy ly vì chủ nghĩa duy lý chỉ đưa ra được những chân lý trừu tượng, chết cứng với những phạm trù có sẵn, đã được xác định. Trái lại, chân lý của chủ nghĩa thực dụng là cụ thể vì nó căn cứ vào những hậu quả thực tiễn, hậu quả cảm tính của mỗi con người, nó có giá trị ngay ở trong con người.
Đối với chủ nghĩa thực dụng, chân lý là cụ thể cho nên cũng là đa nguyên, nhưng vẫn là nhất nguyên ở hiệu quả thực tiễn của nó. James ví chân lý như hành lang trong một khách sạn. Ở đó tuy nhiều người rất khác nhau về tín ngưỡng, về nghề nghiệp, về ý thức hệ nhưng đều đi lại trong một hành lang chung là chân lý thực tiễn.
Nhưng làm sao để đạt đến chân lý? Peirce cho rằng đó là con đường của phương pháp khoa học mà ông gọi là điều tra thăm dò (inquiry) nhằm xác lập một niềm tin (belief) và chính giá trị này bảo đảm tính khả tín (credible) của chân lý. Trên con đường thăm dò, điều tra, con người gặp biết bao cạm bẫy của những hoài nghi. Hoài nghi đó có thể khắc phục khi đạt tới niềm tin vững chắc vào thực tiễn, đạt được giá trị thực tiễn để tiếp tục hành động tiến lên phía trước. Hoài nghi của Descartes nhằm đạt được sự minh nhiên (evidence), tức chân lý bằng sức mạnh của lý trí. Peirce không chia sẻ luận đề đó mà cho rằng niềm tin mới là các minh nhiên được xác lập trên cơ sở của thực tiễn, của kinh nghiệm. Niềm tin, chân lý đối với chủ nghĩa thực dụng bao giờ cũng là tương đối, cho nên trong thăm dò, trong hoạt động, kể cả hoạt động khoa học phải chấp nhận một “chủ nghĩa sai lầm” (fallibilisme).
Niềm tin, hay nói chung là “dòng ý thức” (khái niệm của James) nảy sinh từ thực tiễn, từ kinh nghiệm, là sự phản ứng của con người trước hoàn cảnh, do đó ở đây thống ngự tính ngẫu nhiên. Vì vậy, cũng như nhiều nhà hiện tượng học, James quan niệm chỉ có thể “thông hiểu”nó, chứ không thể “giải thích” nó theo tính nhân quả được.
Lý luận về niềm tin không chỉ xuất hiện đột xuất trong chủ nghĩa thực dụng mà có thể nói trong cả truyền thống văn hóa Mỹ, nếu ta nhìn vào các trào lưu triết học khác. Thomas Kuhn thuộc “trường phái lịch sử” của chủ nghĩa hậu thực chứng, nói tới niềm tin của “xã hội khoa học” trong việc thực hiện một “hệ chuẩn” khoa học. Nhà triết học hiện sinh Paul Tillich nói tới niềm tin như một giải pháp khắc phục sự lo âu của con người. Đúng như Tillich viết niềm tin đó rằng: “Chính ta phải là chính ta, chính ta phải định đoạt con đường ta (decide where we go to)”. Phải chăng niềm tin ở “con người thân lập thân” (self made man) ấy đã trở thành tính cách của con người trong nền văn hóa Mỹ?
Từ tiền đề nhận thức về thực tiễn, về kinh nghiệm, chủ nghĩa thực dụng đề xuất những kiến giải về đạo đức, tôn giáo và cả chính trị xã hội.
Về đạo đức, James cho rằng đạo đức cũng là một giá trị của thực tiễn, của con người trước hoàn cảnh, ông không chấp nhận quan niệm về đạo đức của chủ nghĩa duy lý. Vì vậy, James coi thiện, ác không phải là những khái niệm có sẵn mà là những phản ứng nhằm thỏa mãn nhu cầu thực tiễn của con người.
Về tôn giáo, James xác định quan niệm tôn giáo gắn liền với ý thức đạo đức. Cũng như đạo đức, tôn giáo cũng không có mục đích nào là thỏa mãn những nhu cầu thực tiễn của con người, cũng chống lại chủ nghĩa duy lý và cho rằng tình cảm tôn giáo nảy sinh tức thời từ vô thức của bản thân chủ thể. Ông không tán thành quan niệm của chủ nghĩa hữu thần coi Chúa như một sức mạnh tinh thần tuyệt đối. Theo James, Chúa là một loại hy vọng, một giả thiết có ích cũng được kiểm chứng bằng hiệu quả thực tiễn của con người.
John Dewey là nhà triết học thực dụng viết nhiều hơn cả về chính trị. Ông đề xuất chủ nghĩa đa nguyên xã hội, chủ nghĩa tiến hóa xã hội, từ đó xây dựng một lý luận về dân chủ và tự do, coi “chủ quyền của nhân dân và giá trị đạo đức” là nền tảng. Ông bác bỏ chủ nghĩa duy lý bởi vì các loại triết học đó đều dựa vào chân lý được rút ra từ khái niệm, từ nguyên tắc lôgíc có sẵn. Ông kiên trì phương pháp thăm dò, điều tra của chủ nghĩa thực dụng có nghĩa là phải xuất phát từ sự phản ứng của con người trước hoàn cảnh xã hội đặc thù để thấy những giá trị - giá trị dân chủ, tự do – giúp cho con người thành công, xã hội bền vững, tiến bộ xã hội đạt được.
3. Chủ nghĩa thực dụng tiếp tục đi vào đời sống ở Mỹ
Với C.Peirce, W.James, J.Dewey thì chủ nghĩa thực dụng đã phát triển tới mức hoàn chỉnh và ổn định. Không phải đến đây, chủ nghĩa thực dụng chấm hết vai trò trên sân khấu tư tưởng của nước Mỹ và lùi vào “hậu trường” mà chính vì nó đã đi sâu vào đời sống của xã hội. Cái gì đã thành một truyền thống bền vững thì sự sôi nổi của lý luận lúc xuất hiện đương nhiên không còn lý do tồn tại. Nhưng điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa thực dụng đã hoàn toàn chấm dứt về mặt phát triển lý luận.
C.I. Lewis (1920) đề xướng một “chủ nghĩa thực dụng khái niệm” (Conceptualistic pragmatism). Nhà triết học này cho rằng, trong việc giải thích kinh nghiệm của con người, người ta cũng xác lập những khái niệm, những phạm trù (như chủ nghĩa khái niệm đã làm). Nhưng những phạm trù đó phải tương ứng với những miêu tả của kinh nghiệm thực tiễn để đảm bảo tính khách quan và chính xác của cả hai phía.
Tiếp theo Lewis, Rudolf Carnap, Charles Morris, Ernest Nagel, W.Quine cũng đã nhấn mạnh vào việc “khái niệm hóa kinh nghiệm” nhằm thực hiện nguyên tắc bền vững của chủ nghĩa thực dụng là thỏa mãn nhu cầu thực tiễn, cảm tính của con người.
Những tiếp cận về chủ nghĩa thực dụng càng làm rõ một nhận xét là chủ nghĩa duy lý không đối lập tuyệt đối mà còn làm tăng cường, biện minh cho chủ nghĩa phi duy lý. Hai khuynh hướng đó bổ sung, dựa vào nhau để đáp ứng sự phát triển của xã hội phương Tây hiện đại.
Vượt qua biên giới của nước Mỹ, chủ nghĩa thực dụng tiếp tục phát triển, để lại nhiều dấu ấn trong các trào lưu triết học như chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng học, chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa thực tại mới, chủ nghĩa Kant mới, chủ nghĩa Mach,... ở Anh, Đức, Italia, Pháp với G.Simmel, F.Schiller, W.Ostwald, H.Hahn, E.Husserl, Giovanni Papini, Giovanni Vailati, Henri Bergson, Edouard Le Roy.
Ở Trung Quốc, chủ nghĩa thực dụng với đại biểu là Hồ Thích cũng có ảnh hưởng đáng kể.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa thực dụng đã được đề cập trên một số sách báo, giáo trình, kể cả luận văn đại học, nhưng đa số các bài viết đó còn ở mức độ giới thiệu và những nhận định cần đưa luận chứng thêm mới đảm bảo tính thuyết phục khách quan. Nhưng ở đây, do giới hạn của chủ đề trong phạm vi tìm hiểu một khía cạnh của văn hóa, tư duy Mỹ nên chúng tôi không đi sâu nghiên cứu những bài viết này cũng như về ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng ở Việt Nam.
Qua lịch sử phát triển của chủ nghĩa thực dụng, người ta cho rằng đây là một phong trào có tính năng động (cụm từ của Schiller). Vì sao nhà triết học người Anh Schiller lại đòi xóa tên “chủ nghĩa thực dụng” để thay bằng tên “chủ nghĩa nhân bản” (humanisme), chính vì tính năng động của chủ nghĩa thực dụng trong việc làm nổi lên vai trò của chủ thể, của cuộc sống tinh thần của con người và theo ông đó chính là đối tượng của triết học. Như vậy, cùng với sự phát triển chủ nghĩa duy lý (về kỹ thuật, kinh tế, chính trị), nhân học, tức vấn đề con người luôn luôn là một thành tố ý thức hệ căn bản của xã hội Mỹ, của xã hội phương Tây hiện đại mà chủ nghĩa thực dụng là một biểu hiện, một “ý nghĩa” nổi bật.
NGUYỄN TIẾN DŨNG (ĐH KHOA HỌC HUẾ)
Đánh giá bài viết?