Khái niệm “truyền thống”
R. AILEAU
(ĐOÀN VĂN CHÚC dịch từ tiếng Pháp)
Từ “truyền thống”[1] (tiếng latin là traditio, “hành vi lưu truyền”) là từ động từ tradere, “chuyển sang cho người khác, giao, trao lại”. Littré[2] đã phân biệt bốn nghĩa chính:
1. “Sự giao một cái gì đó cho một người nào đó”;
2. “Sự lưu truyền những sự kiện lịch sử, những thuyết tôn giáo, những truyền thuyết, từ thế hệ này sang thế hệ nọ bằng con đường truyền khẩu và không có bằng cớ chính thức và thành văn”;
3. “Đặc biệt, trong giáo hội Giatô, sự lưu truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác sự hiểu biết những điều thuộc về đạo và không hề có trong thánh thư”;
4. “Tất thảy những gì người ta biết hoặc làm theo truyền thống, tức là bằng một sự lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ nhờ ở lời nói hay làm mẫu” (Từ vị ngôn ngữ Pháp).
Các định nghĩa do Littré đưa ra phù hợp với nghĩa đặc biệt, nghĩa pháp lý và lễ điển của traditio trong bộ luật Lamã và trong một số sử dụng của luật xưa Pháp hoặc chỉ hoàn giao các giáo chức, hoặc theo nghĩa chung của “sự lưu truyền”. Nhà tu từ học Quintilien, trong cuốn Thể chế diễn thuyết[3] giải nghĩa traditio là “giáo huấn” (enseignement).
Cần tránh lẫn lộn giữa hai động từ hàm ẩn trong khái niệm truyền thống: “trao” và “truyền” (remettre et transmettre; tiếng latin: tradere và transmittere). Động từ thứ nhất phù hợp với một vật được trao hay một vật được giao (chose remise ou objet livré) theo quy ước hay khế ước giữa các bên. Động từ thứ hai đáp ứng chính hành vi truyền cho nhau giữa các chủ thể, và chỉ định không những các nội dung mà cả các quy trình và một chức năng có tầm phổ biến, bởi, cũng giống như sự phát minh không thể quy giản vào sự miêu tả, vào lịch sử hay sự phân tích các đối tượng được sáng tạo, truyền thống không thể quy giản vào sự miêu tả, vào lịch sử hay sự phân tích các đối tượng được sáng tạo, truyền thống không thể quy giản vào những “nội dung” được truyền (contemus transmis), mà đó là các sự kiện, các phong tục, các học thuyết, các hệ ý thức hay thiết chế đặc biệt.
Sự thật, truyền thống không tự giới hạn ở sự bảo tồn cũng như ở sự truyền những sở đắc trước đó: trên dòng đi của lịch sử, truyền thống tích hợp các hiện thể mới (existants nouveaux) bằng cách thích nghi chúng với các hiện thể cũ. Bản chất nó không chỉ có tính giáo dục, cũng không thuần túy mang tính tư tưởng: nó còn hiện ra là có tính biện chứng và tính bản thể (ontologique). Truyền thống làm thành mới cái đã là; nó không bị giới hạn ở làm cho biết một văn hóa, bởi nó đồng nhất hóa với chính cuộc sống của một cộng đồng.
Vậy quan trọng là nắm bắt lại một cách chủ động thực nghiệm cổ truyền qua ba mối quan hệ cơ hữu: với tư cách là sự trung gian và sự tích hợp các nền văn hóa trong những điều kiện biến đổi của thiên nhiên; với tư cách là sự xuất hiện của một cộng đồng dưới mắt chính cộng đồng ấy qua sự tái – sáng tạo liên tục, vô cùng vô tận của các giá trị của nó; với tư cách là mục đích của cái tuyệt đối trong những mối tương quan giữa cái tuyệt đối với thực nghiệm về cái thiêng[4].
1. Truyền thống, cái trung gian và cái tích hợp các văn hóa
Hành vi “truyền” và hành vi “phát minh” tạo thành hai hoạt động đặc thù của người, vì không có một loại động vật nào có khả năng thích nghi tính liên tục của những sở đắc thực nghiệm cũ của mình với tính gián đoạn của những tìm tòi, những phát minh và những thực nghiệm mới của mình. Vì vậy mà truyền thống không thể tự khuôn mình ở sự bảo tồn các yếu tố của một nền văn hóa, tức là sự bảo tồn, duy trì chúng ở nguyên một trạng thái. Một phát minh nếu không được truyền chắc hẳn sẽ phải không ngừng phát minh lại. Ngược lại, khi vắng mặt tất thảy những phát minh, các truyền thống của thời đại đồ đá cũ chắc hẳn sẽ vẫn cứ là chúng và các nền văn hóa của chúng ta đã sẽ chẳng bao giờ xuất hiện được, cũng chẳng khi nào kiến lập được.
Như vậy, gia thêm vào khả năng thụ động của sự bảo tồn các truyền thống là khả năng chủ động của sự tích hợp những hiện thể mới bằng sự thích nghi hóa chúng với những hiện thể thiên nhiên. Sự phát minh và sự khám phá không nhất thiết phải căn cứ vào trang thiết bị vật chất, cũng không nhằm vào những thực tế hữu hình. Sự khám phá ra giá trị đạo lý và tâm linh của tự do, thí dụ thế, đã gây ảnh hưởng đến các nền văn hóa của chúng ta cũng sâu sắc như ảnh hưởng của sự phát minh ra lửa đối với các cộng đồng người đầu tiên. Nói một cách lịch sử, quan điểm về tính bất tử cá nhân và các hệ quả của nó đã sản sinh những biến đổi về văn hóa và xã hội còn quan trọng hơn cả sự phát minh ra cái bánh xe. Nhà nghiên cứu tiền sử V.G. Childe đã chỉ ra rằng khái niệm “trang thiết bị tâm linh” (“équipement spirituel”) đóng vai trò quyết định trong sự tiến hóa của nhân loại: “Các xã hội đã phản ứng lại môi trường tâm linh của chúng cũng giống như với môi trường vật chất, và chính vì vậy chúng tự đem lại cho chúng một trang thiết bị tâm linh không giới hạn ở một tư liệu vũ khí và công cụ”.
Truyền thống, với chức trách trang thiết bị tâm linh ấy, không thể chỉ được nhìn như là một trung gian đơn giản của trang thiết bị nọ, còn phải nhìn với tư cách nó tác động đến di sản truyền lại bằng cách thực hành sự tuyển chọn và bằng những tác dụng nó tiến hành ở các giá trị mà nó thẩm định là đáng truyền. Chính là như vậy nên nhiều phát minh kỹ thuật dù đã có ích về phương diện kinh tế và xã hội song đã không được truyền thống bảo lưu, mà bị đồng hóa vào những trò chơi dành cho những cuộc vui thú công cộng hoặc tiêu khiển riêng tư.
Ngoài ra, mỗi nền văn hóa phải thích nghi với một môi trường tự nhiên nhất định, theo một truyền thống riêng hợp với các điều kiện sinh tồn riêng biệt của nền văn hóa ấy. Mỗi cộng đồng được phân biệt với các cộng đồng khác bởi các huyền thoại của mình và các giá trị của những huyền thoại ấy cũng như bởi cây cỏ mình trồng, súc vật mình nuôi, bởi sự khác nhau khi chọn địa điểm cho làng cư trú, bởi quy hoạch và phương thức xây dựng nhà cửa, bởi sự khác nhau lớn hơn giữa tín ngưỡng, phong tục và phong cách nghệ thuật. Bởi thế, các nhà nghiên cứu tiền sử đã nhận thấy không phải chỉ có một nền văn minh, mà “một số vô hạn những nền văn minh đồ đá mới” (V.G. Childe), tính đa dạng ấy nhất thiết được phản ánh trong các truyền thống của chúng.
Ở các dân cư nông nghiệp, tầm quan trọng của lao động nữ cắt nghĩa những truyền thống mẫu hệ và những mối quan hệ thân tộc đặc biệt của các dân cư ấy. Ở những dân tộc du mục, vai trò thống trị của đàn ông trong đời sống cộng đồng đã có những kết quả, ngược lại, là những truyền thống phụ hệ. Hơn nữa, các dân tộc bị chinh phục và đi chinh phục đã sáng tạo ra những nền văn minh lai pha mà các truyền thống xuất xứ từ các môi trường khác nhau không phải ít có khả năng tích hợp vào một văn hóa mới, thường là giàu có hơn những nền văn hóa trước đó.
Tuy nhiên, chức năng phức tạp của truyền thống không giới hạn ở phần nền văn hóa của một nhóm xã hội được quyết định chỉ bởi những điều kiện cư trú và môi trường tự nhiên của nhóm ấy. Một số cộng đồng của những người chuyên môn, và, thí dụ, những thợ thủ công lưu động, thợ đúc, thợ rèn, thợ gốm nhóm họp nhau lại thành thị tộc hay thành phường hội mà các truyền thống dựa trên cơ sở những quan hệ đặc biệt về họ hàng, như trên những huyền thoại và những bí mật được giấu kỹ đối với những nhóm xã hội mà các người chuyên môn nọ bán sản phẩm nghệ thuật của họ với sự giữ gìn cẩn thận bí mật nhà nghề của mình.
Một truyền thống cũng có nguy cơ tích hợp thái quá các giá trị huyền thoại cũ vào những phát minh mới. Sự thừa nhận tiền bằng kim khí đã đánh dấu sự chuyển bước từ một nền kinh tế tự nhiên, trong đó các đối tượng được trao đổi nhau theo định thẩm, sang một nền kinh tế nhân tạo trong đó tất cả các sản phẩm được định giá trị tương xứng với cùng một đơn vị ước lệ và như thế có thể sánh theo định lượng. Tuy nhiên, từ nền kinh tế Lưỡng Hà (économie mésopotamienne: hiện nay là vùng Irak, có hai con sông chảy qua, sông Tigre và sông Euphrate – N.D.) đến thời đại hiện nay, tiền nhân tạo đã giữ một cách nghịch lý giá trị huyền thoại của những của cải tự nhiên do nông nghiệp và chăn nuôi tạo thành. Giống như lúa hoặc mục súc, của cải ấy có thể tái sản sinh và được bội tăng do lợi tức và lãi. Mối quan hệ hàm ẩn huyền thoại khá tất nhiên ấy không phải kém tương ứng với những sự kiện kinh tế hiện thực và đủ để chỉ ra rằng sự bảo tồn các truyền thống của một nền văn hóa trong những điều kiện lịch sử hoàn toàn khác biệt không phải bao giờ cũng cần thiết cho sự tiến hóa của nhân loại.
Đáp trở lại, nên nhắc lại rằng, ở các dân tộc sơ khai, các truyền thống tôn giáo đóng vai trò căn bản trong sự sống còn của một cộng đồng. Bằng các giá trị huyền thoại và biểu tượng của mình, các truyền thống cho phép một cộng đồng kháng cự nội tại chống những tấn công và những áp lực của môi trường tự nhiên. Sự thăng bằng tế nhị và thường bấp bênh ấy có thể bị phá hoại bởi những can thiệp xâm lược, mặc dầu đôi khi chúng có “ý đồ tốt” là giáo hóa và văn hóa, chúng đã là những kẻ thực sự gánh tội diệt chủng.
Các nhà dân tộc học đã nghiệm thấy thế ở nhiều trường hợp và thí dụ như trường hợp dân cư đảo Eddystone trên Thái Bình Dương. Khi chấm dứt truyền thống ma thuật – tôn giáo là “săn đầu người”, người Ănglê đã thủ tiêu một thể chế bắt rễ sâu trong đời sống văn hóa và tự nhiên của các dân cư nọ. Người bản xứ đã phản ứng lại cấm đoán đó bằng một ác cảm gần như toàn phần: năng suất đẻ giảm đi nhanh chóng và dân cư đảo ấy cứ mòn mỏi dần.
Với tư cách là hành vi của một cộng đồng, mọi truyền thống nhập thành cơ chế của cộng đồng và với cách riêng biệt của mình truyền thống xuất hiện trước mặt chính bản thân cộng đồng qua những giá trị chủ yếu của mình. Truyền thống không chỉ là cái trung gian và cái tích hợp bức thiết đối với mọi nền văn hóa. Bằng cách bảo tồn và truyền đạt lại cái mình biết, một cộng đồng “tự tái sáng tạo” bản thân nó và “làm thành mới” cái nó đã là theo như nó muốn là.
2. Truyền thống, sự tái – sáng tạo các giá trị của một cộng đồng
“Truyền” (Transmettre) nghĩa là làm tồn tại cái gì đã tồn tại rồi, và “bảo lưu” là “giữ gìn cái đã được truyền”. Hai dạng vẻ ấy, chủ động và bị động, không được lẫn lộn khi phân tích chức năng phổ biến của truyền thống, nhất là khi thuộc về những mối quan hệ của nó đối với đời sống của một cộng đồng.
Trong các nền văn minh cổ truyền, cộng đồng không được xây dựng trên cơ sở một ý thức dứt khoát và lý tính về sự đoàn kết con người. Nó được thành lập tự phát bởi ngoại phóng toàn phần (projection totale), vào thế giới khả tri giác hoặc vào thế giới tâm lý – kinh nghiệm, của những mối quan hệ tâm linh, huyền thoại và biểu tượng, là những mối quan hệ, đối với các thành viên của cộng đồng ấy, tái chỉnh đốn lịch sử và thời gian hoặc tái phân phát địa vực và không gian trong mối tương quan với các dấu hiệu và các đối tượng hiện hình của cái thiêng liêng. Khác biệt với các nền văn minh hiện đại, các cộng đồng cổ truyền chỉ tính kể đến các diễn viên; chúng loại bỏ khán giả cũng như khoảng thời gian nội suy phê phán. Bởi thế chẳng có gì khác hơn hoạt động sân khấu, vì sự thật người ta không thể vừa xem kẻ khác đóng trò lại vừa tham gia thực sự vào trò. Sự diễn đạt tự phát của cộng đồng cổ truyền là tết, nguồn gốc của những lễ hội mà bằng chứng mỗi người được hòa hợp với tất cả, mà vẫn một tính thống nhất phi thời gian tác động tất cả trong mỗi người và hòa giải thiên nhiên và các thần linh với người.
Bởi thế, không thể giới hạn các phương tiện của truyền thống ở những giao lưu của nó bằng lời nói hay chữ viết. Các thái độ, các ứng xử, các mẫu dụ của các thành viên một cộng đồng cổ truyền, trong đời sống hữu thể hằng ngày cũng như trong đời sống đạo lý và tâm linh, chứng minh năng lực của họ trong tái sáng tạo ý nghĩa huyền thoại và biểu tượng của một cư xử hay của những cử chỉ đặc biệt, ở mỗi lúc và ở vô vàn trường hợp. Đó không phải những sự lắp lại máy móc các hành vi khuôn mẫu, mà chúng biểu thị một sự tương ứng sâu sắc giữa cái đã được tin với cái được tái sáng tạo như thế. Có cách ăn, uống và ngủ theo đạo Hồi; sự pha trà của một tông đồ đạo Phật tu tại gia có ý nghĩa truyền thống không kém một diễn từ dài.
Sự thật, chính bằng hành vi nghi thức và bằng lễ điển mà sự tương niệm và sự truyền cái “làm tồn tại” (du faire être), do đòi hỏi của mọi truyền thống thực sự của thực nghiệm về cái thiêng, được hoàn thành.
3. Truyền thống và thực nghiệm về cái thiêng
Thực nghiệm của con người trong sự thâm nhập vào thế giới tâm lý – kinh nghiệm của một cái gì đó không thuộc thế giới này, thuộc cái “khác hẳn” (du tout sutre) không lĩnh hội được và không nắm bắt được, tương ứng, như R. Otto đã chỉ ra, với thực nghiệm về cái thiêng.
Ngay khi diễn ra sự tiếp xúc với cái chưa biết đặc biệt, con người, kẻ muốn bảo chứng cho sự hiện tồn của một thực tế mà con người không thể phủ nhận được nó, song cũng lại chẳng thể khẳng định được sự cống hiến nào của nó cả, thì nhất thiết phải che phủ nó bằng cách phát hiện nó ở những biểu tượng, các biểu tượng ấy, đến lượt chúng, lại phủ đắp cũng bằng như gỡ mở những cái mà chúng phải truyền.
Một truyền thống văn hóa phi đạo không có khả năng lưu truyền lại cái gì khác ngoài những ký hiệu được gọi là những “chủ đề tổng hợp” (synthèmes). Chỉ có truyền thống thụ môn[5] và tôn giáo là có thể truyền lại những biểu tượng. Những cái thứ nhất gợi ra những mối liên hệ lẫn nhau mang bản chất xã hội hoặc những mối quan hệ xây dựng trên những ký hiệu ước lệ tạo nên một hệ ngôn ngữ mà, do nguồn gốc, sự tiến hóa và sự sử dụng nó, bao giờ cũng được nhận thức và sáng tạo bởi con người và chỉ có ý nghĩa đối với con người. Thí dụ, chữ O không phải là biểu tượng của oxy, mà là một chủ đề tổng hợp kiểu lược giảm (type abreviatif), nó không có ý nghĩa gì khác ngoài ý nghĩa sở thuộc, theo ước lệ, vào một toàn bộ logich chặt chẽ, trong một thời kỳ nào đấy của lịch sử các khoa học về văn hóa. Các ký hiệu do máy điện tử sử dụng là những chủ đề tổng hợp; đấy không phải những biểu tượng.
Sự khác biệt ấy là dễ hiểu vì lẽ tính chất của thực nghiệm về “cái khác hẳn” là phi nhân sinh (non humain), đa số tuyệt đối các truyền thống thụ môn và tôn giáo đem lại cho cái “khác hẳn” sự khám phá và vì thế của những biểu tượng, từ ấy phải dành riêng cho các ký hiệu của cái thiêng. Nhà triết học R. Guénon, người đã có công lao chủ yếu trong việc canh tân những nghiên cứu về truyền thống, trong thời hiện đại, đã không ngớt nhắc nhở chân lý cơ bản này: “Tất thảy các méo mó về ý niệm truyền thống có một tính chất chung là hạ thấp quan niệm truyền thống xuống trình độ thuần túy nhân sinh (purement humain), trong khi ấy, hoàn toàn ngược lại, chỉ có và chỉ có thể có cái thực sự truyền thống khi cái ấy bao hàm một yếu tố thuộc phương diện siêu – nhân sinh (d’ordra supra – humain)[6]. Sự thật, đấy là điểm chủ yếu, điểm tạo thành, có thể nói, ngay cả định nghĩa về truyền thống và tất cả những gì quan thuộc vào nó.
Các rào chắn của ngữ ngôn không cho phép chúng ta dễ dàng dùng những từ còn chưa được ai dùng. Tuy nhiên vẫn nên phân biệt các dạng “tổng hợp chủ đề”[7] của “hành vi truyền lại” là các dạng cuối cùng quan thuộc vào sự giáo dục của một nền văn hóa, với các dạng biểu tượng là những dạng không thể tách rời khỏi thực nghiệm bản thể. Các dạng tổng hợp chủ đề có thể phải được soi sáng bằng sự phân tích và bằng lịch sử theo cách duy lý thuần túy. Các dạng biểu tượng lại chỉ có thể hiểu được bằng những thực thi của chúng (leurs opérative), hoặc nếu thích thì gọi là bằng một biện chứng và một sự tái – sáng tạo thực thi (une re-création opérative) của cái hiện tại vĩnh hằng. Các dạng thứ nhất của quan thuộc vào những hiện thể riêng biệt, cũ và mới. Các dạng biểu tượng chỉ có một đối tượng phổ biến: bản thân cái tồn tại hiện tại nọ qua muôn hình vạn trạng biểu thị của nó và tính nhiều chiều trong các ý nghĩa của những biểu thị ấy mà chúng tái hướng dẫn chỉ vào duy nhất một biểu hiện ý nghĩa (significateur).
Bằng sự hiển nhiên hóa các dạng vẻ khác nhau của truyền thống, người ta sẽ thấy rõ hơn rằng một nền văn hóa không thể được tạo thành một cách hoàn toàn phi đạo phụ thuộc vào sự loại trừ cái không – duy lý hay cái “khác hẳn” mà lại không tha hóa con người khỏi thực nghiệm khả thể sâu sắc nhất của nó, thực nghiệm của năng lực hiện diện ở cái tồn tại phổ biến. Ngược lại, bằng sự thừa nhận ấy tính hoàn toàn chính đáng của lý trí trong các giới hạn của bản chất con người, người ta cũng phải tránh nguy cơ của khuynh hướng giáo điều tôn giáo thường hay tranh cãi với cái quyền nọ của con người. Ít ra, về điểm ấy, với sự giáo hóa của bí truyền thư[8], cũng cần phải nhắc đến sự hài hòa giữa các “uy lực hữu hạn phán xử” với các “uy lực tràn vượt tha thứ” (“des puissances limitantes qui jugent” et des “puissances déberdantes qui pardonnent”), cái hài hòa của những “hội hè thiêng liêng” trong đó có mặt mọi truyền thống thực sự thụ môn và tôn giáo.
Nguồn: http://lifeartvietnam.org
[1] Từ tradition tương ứng với từ H – Việt truyền thống. Các từ điển và từ vị của ta xuất bản trước Cách mạng tháng Tám không có từ “truyền thống”, chỉ có các từ vị “truyền” và “thống”. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Sài Gòn xuất bản 1895 giải nghĩa: Truyền = Trao lại; Thống = Mối, Giềng; Việt Nam tự điển, Khai trí Tiến Đức xuất bản 1931, Hà Nội, giải nghĩa: Truyền = Trao lại; Thống = Mối. “Truyền thống” là một từ mới, xuất hiện sau Cách mạng tháng Tám. Ghép hai từ vị truyền thống lại nghĩa của chúng là: trao lại mối đường, song cách ghép từ của tiếng Việt lại đã biến động từ truyền thành động tính từ quá khứ nên truyền thống có nghĩa là cái mối đường được trao lại hoặc được truyền lại, như vậy truyền thống là một danh từ mang đúng ý nghĩa như hiện nay ta đang dùng.
[2] Littré – (Maximilien – Paul – Emile, 1801-1881), nhà ngôn ngữ học và nhà triết học thực chứng người Pháp, trong lĩnh vực ngôn ngữ học, tác phẩm nổi tiếng của ông là bộ Từ điển ngôn ngữ Pháp (Dictionnaire de langue française).
[3] Quintilien, nhà tu từ học Latin ở thế kỷ thứ I, giáo sư tu từ học. Trong cuốn De institutione oatria (Thể chế diễn thuyết), ông chống lại xu hướng của những người đồng thời sử dụng tài hùng biện để làm nghề pháp luật học và nghề thầy cãi. Cuốn sách gồm những nghiên cứu đầy đủ để đào tạo một diễn giả và ở một số khía cạnh cũng là một chương trình giáo dục luân lý và văn học. Văn phong cuốn sách đẹp nổi tiếng và sự phê bình đúng đắn và xác đáng.
[4] Khái niệm “cái thiêng” ở đây không ý nghĩ tôn giáo, le sacré ở đây tương ứng với cái intangible, tức là cái khôn hiểu thấu, khôn lý giải bằng duy lý; ấy là những hiện tượng trong đời sống mà con người cứ phải chấp nhận chúng là thế, như sự may mắn tự nhiên đến với người này, sự bất hạnh đến với người khác, v.v.
[5] Truyền thống thụ môn, tiếng Pháp: trandition initiatique, là truyền thống nhập vào những sự vật bí ẩn, không thể lĩnh hội được bằng lý trí, chỉ có thể nắm bắt được bằng sự nhập thần.
[6] Siêu – nhân sinh: supra – humain, supra có nghĩa là ở trên, thí dụ khi nói “những thiên tư siêu thường” = les dons supra normaux, là những thiên tư ở trên mức bình thường; supra không có nghĩa thần bí. Trong siêu nhân sinh cũng vậy, không có nghĩa thần bí.
[7] Tác giả nói từ chưa được ai dùng đây là từ “synthématique”. Ở trên, bạn đọc đã thấy từ “synthème”, chúng tôi dịch là “chủ đề tổng hợp”. Ở đây, “synthématique” là tính từ, chúng tôi đảo “chủ đề tổng hợp” thành “tổng hợp chủ đề” là để trở thành tính từ.
[8] Bí truyền thư (Kabbaie): một truyền thống Do thái diễn giải huyền bí và ẩn dụ về kinh Cựu ước, nhằm làm cho tông đồ cộng thông với các sinh thể siêu tự nhiên.
Nguồn bài viết: tại đây
Đánh giá bài viết?