Jean-Paul Sartre - Con người của tự do


Jean-Paul Charles Aymard Sartre (thường được gọi ngắn gọn hơn là Jean-Paul Sartre; 21 tháng 6 năm 1905 – 15 tháng 4 năm 1980) là nhà văn, nhà triết học hiện sinh Pháp được trao giải Nobel Văn học năm 1964. Jean-Paul Sartre là một trong những nhà triết học hàng đầu của Pháp thế kỷ 20.

Tiểu sử và sự nghiệp
Jean-Paul Sartre là con của Jean-Baptiste Sartre, một kĩ sư hàng hải và Anne-Marie Schweitzer, một phụ nữ gốc Đức. Bố mất khi cậu bé mới mười lăm tháng tuổi, mẹ đưa về ở với ông bà ngoại ở ngoại ô Paris. Năm 1911, ông ngoại thành lập học viện Ngôn ngữ Hiện đại, đưa Sartre về Paris, mời gia sư về dạy, nhưng năm 1917 mẹ lấy chồng khác và đưa con về miền Nam nước Pháp. Từ 1924 đến 1929 Sartre học tại trường Sư phạm Paris (École normale supérieure ), trở thành giáo sư triết học tại Le Havre năm 1931. Trong thời gian này ông làm quen với Simone de Beauvoir, một nhà văn lớn sau này trở thành học trò và bạn đời của ông. Năm 1932, ông theo học triết học của Edmund Husserl và Martin Heidegger. Sau khi tiếp tục dạy ở Le Havre và ở Lyon, Sartre dạy ở trường trung học Pasteur ở Paris trong thời gian 1937-1939. Cuối thập niên 1930 Sartre bắt đầu viết những tác phẩm lớn của đời mình, trong đó có La Nausée (Buồn nôn, 1938), Le Mur (Bức tường, 1938), là những cuốn sách tiêu biểu cho dòng văn học phi lý đã giúp Sartre trở thành một trong những nhà văn hóa lớn nhất của nước Pháp thời kỳ này. Trong Thế chiến thứ hai, do mắt kém ông không nhập ngũ nhưng vẫn tham gia kháng chiến, bị bắt làm tù binh, sau đó bị nhốt vào trại tập trung. Năm 1941, Sartre trở về Paris tiếp tục dạy học, viết văn, làm quen với Albert Camus. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, ông thôi dạy học và chuyên tâm vào sáng tác văn học.



Jean-Paul Sartre là một trong số các nhà văn coi quan điểm triết học là trung tâm của hoạt động sáng tạo. Tác phẩm triết học chính L'Être et le Néant (Tồn tại và hư vô, 1943) là sự tổng hợp quan điểm chính của ông về cuộc sống. Chủ nghĩa nhân đạo hiện sinh mà Sartre truyền bá trong tiểu luận nổi tiếng L'existentialisme est un humanisme (Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo) cũng được thể hiện rõ trong tiểu thuyết Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do, 1945-1949). Từ giữa thập niên 1940, ông nghiên cứu chủ nghĩa Marx, thành lập tạp chí Les temps modernes (Thời mới), tuyên truyền các ý tưởng cách mạng, hoạt động xã hội. Năm 1964 Sartre được Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel nhưng ông từ chối nhận giải vì không muốn mình biến thành một thiết chế xã hội ảnh hưởng đến công việc hoạt động chính trị cấp tiến. Sartre nhiệt tình ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Algérie, Trung Quốc, Cuba, cùng với Bertrand Russell thành lập Ủy ban chống tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Những năm cuối đời Sartre bị mù, không viết được nhưng ông trả lời vô số phỏng vấn, thảo luận các vấn đề chính trị với bạn bè. Sartre cũng được biết đến nhiều với tư cách một nhà viết kịch phi lý. Ông nổi tiếng với các vở kịch Les Mouches (Ruồi) và Huis clos (Phía sau cửa đóng). Ngoài ra, Sartre còn viết phê bình văn học và các bài nghiên cứu về Charles Baudelaire, Jean Genet. Cuốn sách viết về thời niên thiếu của ông, Les mots (Lời nói), được xuất bản năm 1964.

La Nausée (Buồn nôn, 1938) là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của ông. Mặc dù có một số ý kiến rằng nó chỉ là một trò chơi triết học ngụy trang dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng sức lôi cuốn và hấp dẫn của nó là không thể phủ nhận. Câu chuyện có vẻ như là một chuỗi tự sự tiêu cực và buồn chán, chứa đựng đầy nỗi ngờ vực và trĩu nặng suy tư về tồn tại, hư vô.

Tác phẩm
•   Esquisse d'une théorie des émotions (Đề cương lí thuyết tình cảm, 1939), khảo cứu 
•   L'imaginaire (Cái tưởng tượng, 1940), nghiên cứu tâm lý 
•   La Nausée (Buồn nôn, 1938), tiểu thuyết 
•   Le Mur (Bức tường, 1938), truyện 
•   L'Être et le Néant (Tồn tại và hư vô, 1943), tác phẩm triết học 
•   Les Mouches (Ruồi, 1943), kịch 
•   Huis clos (Kín cửa, 1944), kịch 
•   Réflexions sur la question juive (Suy nghĩ về vấn đề Do Thái, 1946), luận 
•   La putain respectueuse (Con đĩ biết lễ nghĩa, 1946), kịch 
•   Baudelaire (1946) 
•   Morts sans sépulture (Chết không mai táng, 1947), tập kịch ngắn 
•   L'existentialisme est un humanisme (Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo, 1946), tiểu luận 
•   Les Mains sales (Những bàn tay bẩn, 1948), kịch 
•   Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do, 1945-1949), tiểu thuyết: 
o   L'âge de raison 
o   Le sursis 
o   La mort dans l'âme 
•   Le Diable et le Bon Dieu (1951), kịch 
•   Saint Genet, comédien et martyr (1952), phê bình Jean Genet 
•   Critique de la raison dialectique (Phê phán lí trí biện chứng, 2 tập, 1960), khảo luận: 
o   Théorie des ensembles pratiques 
o   L'intelligibilité de l'histoire 
•   Les Séquestrés d'Altona (Những người bị cầm tù ở Altona, 1960), kịch 
•   Les Mots (Lời nói, 1964), hồi ký 

(Nguồn Wikipedia)
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?