Jean Claude Borbalan. Các giá trị và các văn hóa


Theo lý thuyết hiện đại hóa, các giá trị xã hội và văn hóa phải tiến triển theo sự giàu có của một nước. Thế nhưng, một cuộc điều tra quốc tế cho thấy có một chống cự đáng kinh ngạc của các giá trị truyền thống.

Samuel Huntington, nhà chính trị học lừng danh đã công bố hồi tháng 11-1993 trong tạp chí có uy tín Foreign Affairs một bài nhan đề Sự xung đột của các nền văn minh. Ngay từ số tiếp theo đó, một cuộc tranh luận mở ra với các chuyên gia chính, rồi năm 1996 được khôi phục bởi việc công bố một tác phẩm sâu hơn, cũng mang nhan đề đó và được dịch rất nhanh sang tiếng Pháp. S.Huntington cho rằng những khác biệt giữa các vùng văn hóa là sâu sắc. Dựa vào truyền thống của những nhà tư tưởng như Oswald Spengler, Amold Toynbee và Fernand Braudel, ông khẳng định sự bền vững của các văn hóa tạo nên những lĩnh vực đồng nhất chính trị lớn đối với các cá nhân. Ông xác định sự tồn tại của sáu đến tám nền văn minh căn bản, trong đó có một tính hiện thực chưa thật rõ ràng: các văn minh Nhật Bản, Trung Hoa, Hindu, Hồi giáo, phương Tây (chia nhỏ thành nhiều tiểu văn minh), các văn minh Mỹ latin và châu Phi. Những văn minh này rốt cuộc tự xác định bằng tôn giáo: "Trong tất cả những yếu tố khách quan xác định một nền văn minh, nói chung quan trọng nhất là tôn giáo... Ở một mức độ rộng lớn hơn, các văn minh lớn được nhận biết trong lịch sử bằng những tôn giáo lớn của thế giới. Trái lại, những cư dân là bộ phận của cùng một tộc người và có cùng một ngôn ngữ nhưng không cùng một tôn giáo có thể đối lập nhau, như trong trường hợp của Liban, Nam Tư cũ và tiểu lục địa Ấn Độ"(1).

Luận điểm về sự xung đột của các văn minh đã được coi như một cái khuôn tư duy (một hệ thức theo nghĩa của lý thuyết về những liên hệ quốc tế.

Và nếu như S.Huntington có lý?

Chú trọng tới sự bền vững của các văn minh như cái khung đồng nhất, đoàn kết và nhất là sức mạnh, những đối đầu trong tương lai, hai xu hướng này đưa ra một thách đố kinh khủng đối với hệ thống quốc tế hiện nay. Luận điểm của S.Huntington, từ khi được nêu ra năm 1993, đã đẻ ra nhiều phản ứng. Nó đặc biệt bị giáng trả ở Pháp, như Jean Pierre Langetier nhấn mạnh trong một phụ trương của báo Le Monde (2). Ông đã hỏi các chuyên gia Pháp về quan hệ quốc tế, các nhà nhân học, các nhà xã hội học, tất cả đều phản bác ý tưởng về một Yalta văn hóa (3), nghĩa là luận điểm của S.Huntington về một cân bằng sức mạnh giữa các văn minh dựa vào tôn giáo.

Bất chấp những phê phán đối với nó, luận điểm về sự xung đột của các văn minh vẫn được thảo luận và có những người ủng hộ. Hơn nữa, nó vừa có được một sự tăng viện mạnh mẽ. Đó là sự ủng hộ của Ronald Inglehart, chuyên gia phân tích về những biến đổi văn hóa và về những giá trị (4). Tác giả này đã tiến hành một cuộc điều tra quốc tế chưa từng có bằng thăm dò: World Value Survey (WVS), cuộc điều tra thế giới về các giá trị (5). R.Inglehart lúc đầu muốn dùng cuộc điều tra thế giới về các giá trị để giải quyết một vấn đề đã cũ như xã hội học phương Tây: hiện đại hóa kinh tế có gắn liền với một đặc thù văn hóa của phương Tây không? Theo ông, những tác phẩm của S.Huntington về sự bền vững của các văn hóa và các giá trị truyền thống là dựa vào một truyền thống đầu tiên cho rằng: "Các xã hội đương đại được phân biệt bởi những đặc điểm văn hóa sống dai dẳng qua nhiều thời kỳ dài, và những đặc điểm này có một ảnh hưởng quan trọng đối với những thành tựu kinh tế và chính trị của các xã hội ấy". Ngược lại, có một luận điểm về tính hiện đại rõ ràng không thể đi đôi với định đề ấy. Cách nhìn này, từ Max Weber đến Daniel Bell, chủ trương rằng sự phát triển kinh tế kèm theo một sự xói mòn về những giá trị truyền thống và một quá trình thế tục hóa đưa tới sự suy tàn của tôn giáo. R.Inglehart thì công nhiên bảo vệ lý thuyết của M.Weber về hiện đại hóa. Ông nhấn mạnh sự tiến triển gắn bó của các hệ thống giá trị tới mô hình duy lý và hậu hiện đại, mà ngày nay mô hình ấy đặc biệt biểu hiện ở các nước Scandinave: khoan dung, tôn trọng cá nhân, tin vào người khác... Tuy nhiên, trong khi ông thú nhận rằng mình không chờ đợi điều đó thì ông lại cho rằng những công trình của ông xác định luận điểm của S.Huntington về "sự tồn tại bền vững của các khối văn minh dựa vào di sản lịch sử và đặc biệt là di sản tôn giáo". Đây là lần đầu tiên lý thuyết về sự xung đột của các văn minh được kiểm nghiệm về mặt kinh nghiệm... và được coi là hữu hiệu phần nào. Thật vậy, nhờ có cuộc điều tra thế giới về các giá trị, R.Inglehart cho thấy rằng những hình dạng văn hóa tỏ ra gắn kết nhau đến mức đáng kinh ngạc: "Nếu biết được vị trí tương đối của một xã hội trên một biến số (chẳng hạn, tầm quan trọng của tôn giáo), thì người ta có thể tiên đoán vị trí tương đối của nó lên nhiều giá trị và vấn đề khác, từ những mục tiêu chính trị đến những động cơ kinh tế, từ sự giáo dục trẻ em đến những chuẩn mực tình dục". R.Inglehart thực hiện việc so sánh các hệ thống giá trị của các nước khác nhau từ những câu trả lời cho một số câu hỏi được tập hợp thành hai chiều căn bản, minh họa các vị trí tiến hóa của các giá trị ở các xã hội dân tộc.

Chiều thứ nhất là sự chuyển tiếp từ các giá trị truyền thống gắn liền với tôn giáo đến các giá trị duy lý, hợp pháp và thế tục. Để phân loại các xã hội - dân tộc theo mức độ các giá trị duy lý hợp pháp của chúng, R.Inglehart đã lựa chọn trong toàn bộ vấn đề do những người thăm dò đặt ra, các vấn đề cho thấy những thay đổi trong sự nhận biết uy quyền và trong việc bày tỏ lòng tin vào thượng đế. Thật vậy, đó là hai biến số (thừa nhận uy quyền hợp pháp hơn là uy quyền gia đình hay truyền thống, và việc tin hay không vào thượng đế) đánh dấu sự thâm nhập của tính hiện đại đối chọi với những giá trị truyền thống dựa vào tôn giáo. Như vậy, những vấn đề này hướng tới tầm quan trọng của thượng đế, tới sự biện minh cho ly hôn, tới tình cảm kiêu hãnh dân tộc, sự hướng tới uy quyền, sự tham gia các cuộc thảo luận chính trị.

Chiều thứ hai là sự chuyển tiếp từ những giá trị về tình trạng thiếu thốn và nhu cầu thiết yếu, gắn liền với các xã hội trong đó sự nghèo khổ chi phối, sang những giá trị về tự thực hiện, tự biểu hiện và phúc lợi, đặc biệt được các xã hội giàu có nhất ở Bắc Âu đề cao. Chiều này tương ứng với mức độ giàu có của các xã hội: "Những xã hội đề cao các giá trị thiếu thốn được đặc trưng bởi những trình độ tương đối yếu về phúc lợi chủ quan và một tình trạng vệ sinh tương đối tồi tệ". Đối với chiều thứ hai này (các giá trị thiếu thốn, các giá trị phúc lợi), những vấn đề được nhà xã hội học này chú trọng là có liên quan với sự hài lòng cuộc sống hiện tại, cảm nhận về hạnh phúc, thái độ đối với tính dục đồng giới, mức độ tin vào những người khác.

Việc đặt các xã hội dân tộc theo hai chiều đo giá trị này cho phép phân loại chúng theo bốn kiểu:

Các xã hội kiểu truyền thống, trong đó các cá nhân đề cao tôn giáo, các giá trị gia đình, khuyến khích những gia đình đông người, đặt lên hàng đầu thái độ khuôn phép và bài bác chủ nghĩa cá nhân... Đặc biệt đó là trường hợp những nước thuộc vùng Hồi giáo, như Bangladesh, và các nước châu Phi, như Nigeria hay Ghana.

Các xã hội theo những giá trị duy lý, coi trọng chủ nghĩa cá nhân và kiểm soát sinh đẻ, đó là những xã hội thế tục hóa và thừa nhận uy quyền của nhà nước. Nước Đức, trong hai thành tố của nó, là cổ mẫu của loại này.

Các xã hội đề cao những giá trị thiếu thốn, trong đó các cá nhân không cảm thấy hạnh phúc, có thái độ không khoan dung, ít tán thành sự bình đẳng về giới tính và ít tin vào người khác, mà đặt những hy vọng lớn vào khoa học và đề cao các giá trị duy vật chất. Moldavie, Ukrraina, và nói chung là các nước cộng sản cũ, có tỉ lệ đến trường rất cao và trong đó hệ tư tưởng khoa học mang tính hàm súc, nằm trong hình dáng những giá trị này.

Các xã hội tự biểu hiện hậu hiện đại được đem đối lập với các xã hội thiếu thốn, chúng chủ yếu mang tính khoan dung và dân chủ. Các nước giàu ở Scandinavie và Hà Lan hiện thân của xu hướng này một cách rõ rệt.

Những nước khác nhau được phân bố trong những tập hợp có vẻ phù hợp với những phân chia của S.Huntington, chẳng hạn các nước Chính thống giáo, châu Âu Kitô giáo hay các nước Khổng giáo như Trung Quốc. Các nước Hồi giáo và Nam Á gần với châu Phi và những người dân ở đó tự coi mình theo những giá trị duy lý nhưng lại không thừa nhận sự tự biểu hiện của các cá nhân. Châu Âu Kitô giáo ít độc tài hơn, nhưng cũng ít khoan dung đối với các cá nhân hơn các nước nói tiếng Anh mà R.Inglehart xếp thành một tập hợp riêng là châu Âu Tin lành ở phía Bắc, khu vực duy lý nhất và cũng khoan dung nhất. Các nước Khổng giáo (Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan) đứng ở giữa các nước Kitô giáo và các nước Tin lành.

Ví dụ Philippin
Để giải thích cái được ông gọi là sức va bền của các văn minh lớn, R.Inglehart nhấn mạnh rằng, "chính toàn bộ di sản lịch sử được phản chiếu trong văn hóa của một xã hội". Đối với phần lớn các nước, những truyền thống tôn giáo vẫn tiếp tục xác định những hệ thống giá trị đương đại, ngay cả khi chúng gần như biến mất như ở Tây Âu. Rất nhiều khi đó không phải là do sức mạnh hiện nay của các giáo hội, mà là do sức mạnh đã qua của những thiết chế tôn giáo mà ngày xưa chúng từng quy định đạo đức và các chuẩn mực xã hội. Ví dụ Philippin minh họa rõ ràng cho luận cứ này. Nước này có đa số dân cư theo Kitô giáo, và "tuy về mặt địa lý ở gần Trung Quốc và Đài Loan, xã hội này về mặt lịch sử không bị nhào nặn bởi mô hình Khổng giáo. Về mặt văn hóa, nó gần gũi hơn với các xã hội Nam Á và cả với Mỹ Latin mà Philippin đã có một quá khứ lịch sử chung: chế độ thực dân Tây Ban Nha". Những cuộc điều tra thế giới về các giá trị, do đó, cho thấy rằng vào buổi bình minh của TK XXI, "những sự phân chia tôn giáo vẫn mạnh mẽ đáng kinh ngạc".

Chẳng hạn, sự suy tàn của tập quán tôn giáo (đi lễ nhà thờ, tuân thủ các nghi thức...) trong các xã hội công nghiệp tiên tiến không hề ngăn cản tính bền vững của tình cảm tôn giáo (bày tỏ lòng tin vào thượng đế) theo những tỉ lệ giống nhau từ 1981 đến 1997 (khoảng 55% đối với tất cả các xã hội công nghiệp hóa). Ngoài ra, người ta nhận thấy tính bền vững của những giá trị truyền thống, bất chấp những sức mạnh to lớn của hiện đại hóa. Tính bền vững ấy đặc biệt là do dân số, vì những xã hội mang các giá trị truyền thống có mức sinh đẻ lớn hơn.

        Và nếu như S.Huntington sai?
        Hiện nay không còn ai phủ nhận những sự chia cắt tôn giáo, văn hóa, cộng đồng, nhưng lại có nhiều chuyên gia chống lại quan niệm cho rằng những sự khác biệt tôn giáo hay văn hóa sẽ cố định mãi mãi. Đặc biệt đó là sự chứng minh của các nhà sử học và nhân học nghiên cứu những hiện tượng sáng lập dân tộc (6). Jean Francois Bayart, chẳng hạn, cho rằng những căn tính tộc người - chính trị là những sáng tạo mới đây. Chúng là kết quả của một "công nghệ sáng tạo căn tính"(7). Ông chỉ ra rằng những khác biệt hay, ngược lại, những sự cố kết tôn giáo, ngôn ngữ hay tộc người chỉ tồn tại mạnh mẽ khi những người lãnh đạo hay những thành viên của các cộng đồng sử dụng chúng vào những mục đích chính trị. Cái tưởng tượng dân tộc chủ nghĩa của Serbe, trong đó căn tính tôn giáo đóng một vai trò quan trọng, về mặt trí tuệ đã được chế biến lại trong quá trình tan vỡ Liên bang Nam Tư. Tuân theo các quá trình chính trị và đặc biệt là các cuộc đấu tranh giành quyền lực dữ dội, sự sáng tạo và củng cố các căn tính văn hóa đã dựa vào các truyền thống, nhất là các tôn giáo bằng cách bày đặt lại những truyền thống ấy. Nhưng chúng có thể chống lại điều đó, như trong trường hợp sụp đổ của Đế chế Ôttman, trong đó có thể có nhiều sự lựa chọn văn hóa. Chính phủ Kémal đã lựa chọn phương Tây hóa, chống lại tôn giáo và các giá trị truyền thống bị coi là thủ phạm của sự sụp đổ đế chế, điều này đưa tới chỗ chấp nhận vần chữ cái latin, hoặc đề cao một số cách chơi âm nhạc này và bỏ đi những cách chơi khác.

Việc công cụ hóa truyền thống theo lối chính trị trong những năm gần đây đã kéo theo sự xuất hiện nhiều xung đột dựa vào sự cấp tiến hóa các căn tính. Tuy rằng những xung đột này phần lớn được nói đến để chứng minh luận điểm về sự xung đột giữa các văn minh, nhưng chẳng có gì chứng tỏ rằng những xung đột địa phương diễn ra theo những biên giới tôn giáo, những biên giới này là đặc biệt khó khám phá (8). Phần lớn các nhà nghiên cứu hiện đang muốn suy nghĩ về tương lai văn hóa trong sự căng thẳng giữa căn tính và tính phổ quát. Chẳng hạn, đối với nhà chính trị học Pierre Hassner, "hiện tượng phổ quát nhất dường như nằm ở phép biện chứng của toàn cầu hóa và sự chia nhỏ gắn liền với hiện đại hóa. Nhất là dưới ảnh hưởng của tiến bộ kỹ thuật, ngày nay cá nhân bị tước mất những vật chất, gia đình, dân tộc. Văn hóa hay tôn giáo bị đặt, mà không có sự bảo vệ nào, vào những sự khắc nghiệt của cuộc tranh đua trong một thế giới quá phức tạp và hay biến đổi để đáp ứng với những nhu cầu về tính ổn định hay về ý nghĩa của nó"(9). Nhiều nhà phân tích giống như ông cho rằng những phản ứng cộng đồng và tôn giáo mãnh liệt là hậu quả trực tiếp của hướng thuần nhất hóa do hiện đại hóa đưa tới. Tính bền vững của những khu vực văn hóa khác nhau do tôn giáo tạo ra, vì thế, là biểu hiện của toàn cầu hóa hơn là sự phủ định nó.

         Giữa cái phổ quát và cái đơn nhất
Mặc dầu, tính trường cửu của các nền văn minh được chứng minh trong kết quả của cuộc điều tra, người ta không thể chấp nhận luận điểm về sự xung đột của các văn minh do S.Huntington bảo vệ. Đúng thế, người ta nhận thấy có những nhân tố thống nhất văn hóa mạnh mẽ, gắn với hiện đại hóa kinh tế. Người ta cũng nhận thấy một sự chống cự mạnh mẽ của các văn hóa truyền thống và các giá trị dựa vào tôn giáo. Nhưng người ta đã khám phá rõ hơn cả một quá trình thường xuyên sáng tạo những căn tính văn hóa về mặt lịch sử: các văn hóa được khám phá lại trong làn sóng Celtie hiện nay chẳng hạn, các văn hóa đô thị được tạo ra như để cho nhạc rap...

Sự sáng tạo và duy trì các văn hóa riêng biệt là những quá trình năng động, vốn có trong các xã hội con người. Chỉ những thể chế và hệ tư tưởng chính trị thật mạnh mới có thể kìm hãm những quá trình ấy, như đã xảy ra với nhà nước - dân tộc châu Âu, đặc biệt Pháp là nước đã thành công trong sự thống nhất ngôn ngữ và văn hóa đối với lãnh thổ của nó. Kiểu thống nhất từ trên xuống, theo lối một chính phủ thế giới tập trung hóa có thể ra lệnh thực hiện chẳng hạn, ngày nay cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. R.Inglehart đúng là đã cho rằng: "Một trong những đặc trưng chủ yếu nhất của quá trình hậu hiện đại hóa là một sự khoan hòa ngày càng tăng đối với tính đa dạng: thật vậy, chừng nào chúng ta còn tiến bước theo quỹ đạo hậu hiện đại hóa, thì chúng ta càng tới gần một điểm được đánh dấu bằng một sự đánh giá tích cực về tính đa dạng. Sự chấp nhận những người bên ngoài và những nhóm ngoài lề khác là một yếu tố trung tâm của tổ hợp những giá trị phúc lợi. Thế giới có thể bảo tồn vững chắc tính đa dạng văn hóa của mình: những hệ quả chính trị không giống nhau trong một thế giới hậu hiện đại cũng như trong các xã hội hiếm hoi".

_______________

1. S.Huntington, Sự xung đột của các văn minh, Odite Jacob, 1997.

2. Trong một bài viết trên số đặc biệt của báo Le Monde, 21 câu hỏi ở thế kỷ XX mang nhan đề Một thế giới lai, hay sự thể của các Yalta văn hóa.

3. Sau thế chiến II, Liên Xô và phe đồng minh (Anh, Mỹ) họp nhau ở Yanta (thuộc Liên Xô) để bàn về việc phân chia thế giới. Kết quả các hội đàm đều thể hiện sự cân bằng lực lượng các bên. Vì thế, có thành ngữ trên (N.D).

4. R.Inglehart, Xung đột của các văn minh hay hiện đại hóa văn hóa của thế giới?, Le Débat, No 105, 1999.

5. Các cuộc điều tra giá trị: làn sóng điều tra thứ ba, thực hiện từ 1990 đến 1995, đã có liên quan với 63 nước và là sưu tập rộng lớn nhất về những dự kiện thăm dò chưa từng có.

6. A.M.Thiesse, Sự sáng tạo ra các căn tính dân tộc, châu Âu thế kỷ XVII-XX, Seuil, 1999.

7. J.F.Bayart, Ảo tưởng căn tính, Fayard, 1996.

8. Gemdev, Thế giới hóa, các từ và các vật, Karthala, 1999.

9. P.Hassner, "Luận điểm về sự xung đột của các văn minh là một cách nhìn sai về tương lai loài nhiều", trong S.Cordelier (chủ biên), 80 ý tưởng chủ yếu để đi vào thế kỷ XXI, La Découverte, 1999.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?