Hội thảo khoa học kỷ niệm Ngày triết học thế giới
Tạp chí Triết học số 1 (176) năm 2006
Ngày 17 tháng 11 năm 2005, nhân Kỷ niệm Ngày triết học thế giới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội - đã phối hợp cùng Uỷ ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Tư tưởng triết học Việt Nam trong bối cảnh du nhập các tư tưởng Đông - Tây nửa đầu thế kỷ XX.
Trước khi diễn ra Hội thảo này, Ban tổ chức đã nhận được 29 báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có 5 báo cáo thuộc mảng vấn đề "Tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - một số phương pháp tiếp cận", 16 báo cáo đề cập đến "Sự du nhập các trào lưu tư tưởng phương Đông và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX" và 8 báo cáo về "Sự du nhập các trào lưu tư tưởng phương Tây và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX". Mặc dù Hội thảo diễn ra trong khoảng thời gian hơn một nửa ngày, nhưng đã có 10 báo cáo được trình bày, gần 20 ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo. Các báo cáo tham luận và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo tập trung vào những vấn đề chính sau:
Thứ nhất, Việt Nam có triết học hay không?
Về vấn đề này, tuy còn nhiều quan điểm khác nhau do chưa thống nhất với nhau về cách tiếp cận cũng như cách hiểu triết học là gì ở các cấp độ khác nhau, nhưng nhìn chung, tuyệt đại đa số các ý kiến đều cho rằng, không một dân tộc nào không có triết học của mình, chỉ có điều trình độ đạt được đến đâu, thể hiện như thế nào, dưới hình thức nào và đối với Việt Nam cũng vậy. Nếu tiếp cận triết học Việt Nam theo kiểu "lôgíc duy lý" phương Tây thì không có triết học theo nghĩa phải có những triết gia lớn, có hệ thống triết học riêng. Nhiều báo cáo đã đưa ra những cách tiếp cận triết học phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hội thảo thống nhất cho rằng, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu triết học Việt Nam, xuất bản nhiều ấn phẩm để chứng minh cho thế giới biết Việt Nam có triết học.
Thứ hai, các tư tưởng Đông - Tây có ảnh hưởng như thế nào đến tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX?
Nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ lịch sử đặc biệt về tư tưởng, văn hoá Việt Nam: thời kỳ được Phan Bội Châu gọi là thời kỳ "mưa Âu gió Mỹ" trong đời sống tinh thần dân tộc, với sự tiếp xúc và thu nhận nhiều tư tưởng, triết thuyết mới của thế giới Đông - Tây đương đại (tư tưởng dân chủ tư sản với nhiều màu sắc, tư tưởng vô sản). Hội thảo đã trao đổi và đi đến thống nhất rằng, sự du nhập các tư tưởng Đông - Tây nửa đầu thế kỷ XX có tác động lớn đến tư tưởng Việt Nam trên nhiều phương diện: văn học, nghệ thuật, đạo đức, chính trị, tôn giáo, triết học, v.v. đem đến cho tư tưởng Việt Nam nói chung, tư tưởng triết học Việt Nam nói riêng một sự phát triển phong phú cả về lượng và chất hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Nhiều báo cáo đề cập tới sự tác động của các trào lưu tư tưởng Đông - Tây đến chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, dẫn đến sự chuyển biến về chất từ tư duy yêu nước truyền thống sang tư duy yêu nước hiện đại. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sự du nhập và tiếp biến các tư tưởng Đông - Tây nửa đầu thế kỷ XX đã làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng Việt Nam, từ đây tư tưởng Việt Nam không chỉ bao gồm các tư tưởng truyền thống Nho - Phật - Lão, mà còn được làm giàu thêm, nâng cao thêm bởi các giá trị tư tưởng nhân loại.
Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí khoa học, gợi mở nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu xung quanh vấn đề tư tưởng triết học Việt Nam.r
TS. TRỊNH TRÍ THỨC (Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)
Đánh giá bài viết?