Hamvas Béla: người mở lồng kính, đứng vào vũ trụ


Thế giới của Hamvas ấm áp, thư giãn, tinh khôi, giống hệt cảm giác chui vào chăn đệm mùa đông thơm tho sạch sẽ, hứa hẹn một giấc ngủ ngon lành...

Đó là một sự đáng tiếc và thiếu sót lớn khi bỏ sót "Câu chuyện vô hình và đảo" trong Top 10 cuốn sách hay ở VN năm 2012. 

Hamvas Béla - giờ đây đã trở thành cái tên thân thuộc hơn với những người đã cầm trên tay cuốn sách của ông và cảm tạ vì may mắn đó. Vừa ra mắt tại Việt Nam vào dịp cuối năm ngoái, "Câu chuyện vô hình và đảo" là những kiến giải về con người, thúc đẩy con người hiểu biết, vượt qua giới hạn mỗi ngày của chính bản thân và tìm đến bình an khi kết nối với vũ trụ. 

Hamvas Béla - đại diện xuất sắc của triết học tâm linh, được xem như xu hướng nghiên cứu của triết học thế kỉ 21
Ông nói: sự phụ thuộc vào tư duy vật chất đã đẩy con người xa rời linh hồn của họ. 

Ông lại nói: sự thống trị của đám đông là sự thống trị của vô thức, sự biến mất của tri thức và nhận thức, chúng kéo theo nhu cầu thị hiếu thấp xuống. Đám đông đi ngược hướng với sự phát triển cá nhân, chặn lại sự phát triển cá nhân và làm biến mất linh hồn nguyên bản. 

Từ vũ trụ sơ khai, Béla kiểm chứng các hạt nhân cơ bản, mang tính cổ xưa, nguồn gốc... ông truyền lại chúng trong các ghi chép của mình với những lý giải về cái tốt đẹp, cái siêu nhiên, cái ác, sự cuồng tín, ý thức và vô thức, con người bị đẩy lùi vào lịch sử và tiến hóa trong lịch sử, đám đông và cá nhân, vật chất và tinh thần... Là sự vượt lên, mở rộng các giới hạn và tiên lượng các giới hạn của con người, ma quỷ, thần linh, sự hủy diệt và khải huyền.  

Trong khi đang dịch những tiểu luận của nhà triết học này, dịch giả Nguyễn Hồng Nhung viết:

"Bắt đầu làm quen với thế giới của Hamvas Béla, khác hẳn thế giới của Marai và Kertesz.

Thế giới của M. và K. giống như một người lạc trong một lồng kính với nhiều người khác, họ không ngẩng đầu lên, mà chỉ liếc nhìn xung quanh, hoặc cùng lắm trèo lên một chỗ nào đó cao cao và ngắm cái đám đông chuyển động phía dưới và trầm mặc, và suy nghĩ. Bề dầy và chiều dài suy nghĩ của họ có thể hơn hẳn những người xung quanh, nhưng vẫn phải liên quan đến những người xung quanh, trong cơn đau - buồn - cuồng nộ - vui - hớn hở - giận dữ - tuyệt vọng.

Còn Hamvas, ông đã trèo lên đỉnh cái lồng kính này, mở nắp đậy của lồng kính và thoát ra ngoài, bởi ông biết cái lồng kính đấy không phải là toàn bộ vũ trụ, trong vũ trụ còn nhiều loại lồng kính khác nữa. Ông thoát ra, bay lượn bằng đôi cánh của trực giác và phát biểu về vũ trụ, về đám người đang kết dính với nhau bằng những sức mạnh và sự dùng dằng quái gở. Thế giới của Hamvas ấm áp, thư giãn, tinh khôi, giống hệt cảm giác chui vào chăn đệm mùa đông thơm tho sạch sẽ, hứa hẹn một giấc ngủ ngon lành tự nó đến bằng đôi chân hay đôi cánh của nó, ta chỉ việc mỉm cười, và từ từ thiếp đi… 

Có thể khối lượng tri thức khổng lồ mà Hamvas đưa ra khiến mình đuổi theo không kịp những suy nghĩ của ông, vì mỗi một ý tưởng lại liên quan đến một khối lượng tri thức khác, khiến mình phải dừng lại. Nhất là khi thử dịch một bài của ông, những zích zắc ý tưởng, ngay từ sự tích một tên gọi, cũng đủ làm ta lật nhào cả đống từ điển mọi kiểu lên tìm. Nhưng không có cảm giác bị tri thức đánh đố, bởi mọi suy nghĩ của Hamvas hết sức sáng sủa và logic, và nhẹ nhàng, và giản dị, có thể lần theo dấu vết chỉ dẫn để tìm ra nguồn, hoặc dừng lại để ngẫm nghĩ và hiểu ông định nói gì."

Nguồn: Việt Nam Net

*Những trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Câu chuyện vô hình và đảo" của nhà triết học Hungary thế kỉ 20 - Hamvas Béla (1897 - 1986), NXB Tri thức phát hành (2012), dịch giả Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary. 

BẤM VÀO ĐÂY để đọc trích đoạn cuốn sách "Câu chuyện vô hình và đảo"

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?