C. Mác - Con người hoàn thiện và vĩ đại


Đối với nhân dân Việt Nam và tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới, chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất. Học thuyết của Người nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp mà ở đó, "sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" mãi mãi là ngọn đuốc sáng ngời dẫn dắt giai cấp cần lao và nhân loại tự giải phóng mình khỏi ách áp bức và bóc lột, tiến lên xây dựng một xã hội mới tốt đẹp.

Các Mác (Karl Marx) - một trong những vĩ nhân kiệt xuất nhất của lịch sử nhân loại, Người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học, nhà triết học, nhà kinh tế học lỗi lạc, lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới. Mác sinh ngày 5 tháng Năm 1818 ở thành phố Tơria (phía Tây nước Đức) trong một gia đình trí thức lớn. Cha của Mác là Henrích Mác (1777 - 1838), luật sư gốc Do Thái, có tầm hiểu biết sâu rộng về các tác phẩm của các nhà tư tưởng khai sáng. Ông không những là người cha, người thầy mà còn là người bạn thân thiết và gần gũi của Các Mác. Mẹ của Các Mác có tên là Henriétta Phrétbuốc (1787- 1863). Bà có ảnh hưởng lớn đến tình cảm của các con mình đối với người lao động nghèo khổ.

            Năm 1830, Mác vào học trường Trung học Tơria. Cậu học rất giỏi và nổi bật ở lĩnh vực đòi hỏi tính độc lập sáng tạo, có năng lực về toán học. Do được tiếp xúc với những thầy giáo có trình độ cao về chuyên môn, theo chủ nghĩa duy vật và có xu hướng tự do nên Mác đã tỏ rõ tư tưởng biết gắn hạnh phúc của mình với hạnh phúc của nhiều người. Bản luận văn tốt nghiệp trường Trung học của Mác - "Suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề" (1835) đã chứa đựng mầm mống thiên tài của chủ nghĩa nhân văn cao cả. Mác viết: "... Chúng ta lựa chọn một nghề mà trong đó chúng ta có thể lao động nhiều nhất cho loài người thì... niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người,...". "Một người lựa chọn nghề chỉ vì mình thôi, thì người đó có thể trở thành nhà bác học, nhà soạn nhạc nổi tiếng,... nhưng người đó không bao giờ thực sự hoàn thiện và vĩ đại, còn nếu người đó làm nhiều nhất cho nhân loại thì hạnh phúc của người đó sẽ thuộc về hàng triệu người".

            Tháng Mười 1835, Mác vào học ngành luật tại trường Đại học Tổng hợp Bon và sau đó học tại trường Đại học Tổng hợp Béclin. ở đây, Mác bắt đầu đi sâu nghiên cứu triết học, sử học và rất hăng say học ngoại ngữ.  Ngày 15 tháng Tư 1841, Các Mác được phong học vị Tiến sĩ triết học khi mới ở tuổi 23, với đề tài: "Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrít và triết học tự nhiên của Êpiquya" tại Trường Đại học Tổng hợp Iêna.

Ngày 19 tháng Sáu 1843, lễ thành hôn giữa Mác và Gienny được tổ chức tạo Croixnác, bất chấp sự phản đối kịch liệt của họ tộc Gienny. Cuối năm đó, vợ chồng Mác phải đi Paris và bắt đầu cuộc sống lưu vong chính trị ở nước ngoài.

Lần đầu tiên Các Mác gặp Phriđrích Ăngghen tại Pari vào cuối tháng Mười một 1842. Lần gặp gỡ thứ hai vào tháng Tám 1844 đã đánh dấu sự hợp tác lâu dài suốt cả cuộc đời giữa hai bộ óc bách khoa và thiên tài của thế kỷ XIX.

Trong thời gian làm chủ bút "Nhật báo tỉnh Ranh" (1842-1843), Mác đã chuyển dần từ lập trường duy tâm sang lập trường duy vật, từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Năm 1844, ông viết tác phẩm "Phê phán triết học pháp quyền của Hêghen". Trong tác phẩm này, lần đầu tiên Mác đã tuyên bố: giai cấp có thể thực hiện giải phóng toàn thể nhân loại chỉ có thể là giai cấp vô sản. Những tư tưởng về kinh tế  và những quan niệm duy vật về lịch sử rất cơ bản và sâu sắc được trình bày trong tác phẩm "Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844" về sau được ông phát triển trong bộ "Tư bản”. Cuối năm 1844 - mùa Xuân 1846, Mác và Ăngghen đã viết chung hai tác phẩm: "Gia đình thần thánh hay là Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán. Chống Brunô Bauơ và đồng bọn"  và "Hệ tư tưởng Đức", phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghen trẻ và toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, cũng như chủ nghĩa duy vật không triệt để của Phoiơbắc, khẳng định vai trò quyết định sự phát triển lịch sử của quần chúng nhân dân. Năm 1847, Mác viết tác phẩm luận chiến nổi tiếng "Sự khốn cùng của triết học" để đập lại những luận điểm triết học tiểu tư sản của Phruđông trong cuốn "Triết học của sự khốn cùng".

Mùa Xuân năm 1847, Mác và Ăngghen gia nhập Hội đồng minh những người cộng sản. Cuối năm đó cho đến đầu năm 1848, hai ông được giao soạn thảo Cương lĩnh hoạt động của tổ chức này. Bản "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" được tuyên bố vào tháng Hai 1848 ở Luân đôn đã làm rung chuyển chế độ tư bản chủ nghĩa. Lời hiệu triệu "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!" đã làm cho sức mạnh tinh thần của giai cấp vô sản tăng lên gấp bội. Kể từ lúc này, "giai cấp vô sản đã tìm thấy sức mạnh tinh thần ở triết học và triết học đã tìm thấy ở giai cấp vô sản lực lượng vật chất của mình". Tác phẩm này là một cương lĩnh của chủ nghĩa Mác và đảng vô sản, nó soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ của chủ nghĩa tư bản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đến thắng lợi. Hai ông đã vạch rõ tính quy luật của cách mạng vô sản, nêu rõ phải sử dụng bạo lực cách mạng để giành chính quyền về tay giai cấp vô sản và khẳng định: chính giai cấp vô sản là người sáng tạo ra xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Không chỉ sáng tạo lý luận cho phong trào vô sản, Các Mác còn là người tổ chức, lãnh đạo Quốc tế I, tức "Hội liên hiệp công nhân quốc tế" (được thành lập ngày 22 tháng Chín 1864). Ông được coi là linh hồn, là trí tuệ của tổ chức này.



Năm 1867, "viên trái phá đáng sợ nhất từ xưa đến nay giội lên đầu bọn tư sản và địa chủ" - Bộ "Tư bản" được xuất bản tập I. Đó là "kết quả nghiên cứu khoa học của cả một đời người... tất cả mọi người đều thừa nhận ở đây, lần đầu tiên, chủ nghĩa xã hội được trình bày một cách khoa học... Ai còn muốn chống chủ nghĩa xã hội thì phải thắng được Mác..." (Ăngghen). Bộ "Tư bản" như là một đòn bẩy lớn của lịch sử, một sức mạnh cách mạng theo ý nghĩa chân chính nhất của từ đó" (Gienny). Bộ "Tư bản" không được Mác xuất bản toàn bộ khi ông còn sống và sau này, Ănghen đã hoàn thành việc xuất bản tập II và tập III của bộ sách đồ sộ này.

Trong bộ "Tư bản", Mác đã trình bày những vấn đề hết sức quan trọng của sản xuất tư bản nói chung: sự chuyển hoá của tiền thành tư bản, giá trị thặng dư tuyệt đối, giá trị thặng dư tương đối, sự chuyển hoá giá trị thặng dư thành tư bản (tích luỹ tư bản), tích luỹ ban đầu của tư bản; những vấn đề giá trị thặng dư và lơị nhuận, sự chuyển hoá của lợi nhuận thành lợi nhuận trung bình, tư bản cho vay và tư bản thương nghiệp,... Mác vạch rõ quy luật giá trị thặng dư và quy luật giá trị với tư cách là quy luật chung của nền sản xuất hàng hoá được phát triển trong quy luật cung và cầu, trong những quy luật của lưu thông tiền tệ,... Trong phần kết luận, Mác đã nêu lên sự tất yếu phải thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa và thay thế nó bằng một hình thái tổ chức cao hơn là xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Cho đến nay, sau hơn một thế kỷ, bộ "Tư bản" của Các Mác vẫn được đánh giá là bộ sách phân tích sâu nhất và kỹ nhất về chủ nghĩa tư bản và bản chất của nó. Nhiều nhà tư bản lớn của thế giới nhận định: Chính nhờ có học thuyết của Mác mà chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh cơ chế hoạt động và thái độ đối với người lao động để thích ứng và có được sự phát triển như hiện nay. Mác vẫn được coi là một trong số mười nhà tư tưởng tiêu biểu nhất của thiên niên kỷ thứ hai và nhiều học giả phương Tây như Giắccơ Đêriđa, Maicơn Vađê, Đanien Benxaiđơ,... khẳng định: "Thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của Mác".

Sau Công xã Paris (1871), Mác viết tác phẩm "Nội chiến ở Pháp", nêu lên hình thức hợp lý nhất của chuyên chính vô sản là kiểu tổ chức chính trị như Công xã Paris. Phê phán những kẻ cơ hội chủ nghĩa trong Đảng xã hội dân chủ Đức, ông đã viết tác phẩm "Phê phán Cương lĩnh Gôta" (1875).  Ông đã nêu ra một vấn đề rất quan trọng về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản và hai giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản (giai đoạn thấp và giai đoạn cao). Năm 1876, sau khi Quốc tế I giải tán, Mác đã nêu lên ý kiến thành lập các đảng vô sản ở các nước là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của phong trào công nhân. Mác và Ăngghen hoạt động không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh của phong trào công nhân quốc tế. Hai ông đã thực sự là ngọn đuốc trí tuệ và là ngọn cờ lý luận tiên phong của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Viết về Mác, ngay từ năm 1880, nhà báo Mỹ là John Swinton đã nhận xét: "Một trong những người xuất sắc nhất của thời đại chúng ta là Các Mác, ... Một người không màng ấn tượng bên ngoài, cũng không màng tiếng thơm, không mảy may quan tâm đến những lời huênh hoang thế tạo lẫn tham vọng nắm quyền lực, một người ung dung không biết mệt mỏi, có trí tuệ mạnh mẽ rộng lớn và cao cả, hoàn toàn đắm mình trong những ý định cao xa, những phương pháp logic, những mục tiêu thực tế - Các Mác cả đến hôm nay đã và vẫn đang đứng đằng sau những tai biến làm rung chuyển các dân tộc, làm đổ các ngai vàng và giờ đây đe doạ và gây khủng khiếp cho những nhân vật đội vương miện và những kẻ bịp bợm giữ những cương vị nhà nước nhiều hơn bất cứ người nào khác ở Châu Âu". Những công trình khoa học thiên tài của Các Mác đã biến thành sức mạnh vật chất to lớn, và lúc nào, "đâu đâu ông cũng chuẩn bị miếng đất cho ngày giáng thế".

Chúng ta không thể hình dung được khối óc thiên tài ấy đã không ngừng làm phong phú cho phong trào vô sản của cả bán cầu bằng tư tưởng hùng hậu của mình. Nhờ có ông mà chúng ta có được như ngày hôm nay... nếu không có Các Mác thì cho đến hôm nay nhân loại vẫn còn mò mẫm trong bóng tối và trong sự bần cùng của ách áp bức và bóc lột.

Ngày 14 tháng Ba 1883, "trí tuệ mạnh mẽ nhất của đảng ta đã ngừng tư duy, trái tim vĩ đại nhất mà từ trước đến nay loài người đã biết được đã ngừng đập", Các Mác đã ra đi thanh thản trên chiếc ghế bành mà ông vẫn ngồi làm việc. Ông được an táng tại nghĩa trang Haighết ở Luân đôn bên cạnh mộ người vợ thân yêu của mình. Sự ra đi của Các Mác đã gây tổn thất rất to lớn cho phong trào của giai cấp công nhân quốc tế. "Loài người đã đứng thấp hơn một cái đầu và hơn nữa đó là cái đầu có ý nghĩa nhất trong số những cái đầu mà loài người trong thời đại chúng ta đã có được" (Ănghen).

Ph. Ăngghen đã khái quát hai phát minh vĩ đại nhất của Các Mác đó là: Vạch ra quy luật phát triển chung của lịch sử - những quan niệm duy vật về lịch sử  (hòn đá tảng là học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội) và vạch ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa - học thuyết giá trị thặng dư. Trong hai phát minh này, Các Mác đã luận chứng cho sự tiêu vong của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.

Học thuyết cách mạng của Mác và Ăngghen được Vlađimia Ilích Lênin kế tục và phát triển thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Tên tuổi của các ông mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như những vĩ nhân vĩ đại nhất.

 Đứng trước hiện thực những năm đầu của thế kỷ XXI, thế giới đổi thay và biến động bất thường, quyền làm người và nền hoà bình thế giới đã, đang bị đe doạ và xâm phạm nghiêm trọng, nhân loại tiến bộ lại một lần nữa ngưỡng vọng về thời đại mà Các Mác đã có công lớn tạo ra. Bởi vậy, nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới tưởng niệm Các Mác với lòng kính trọng, chân thành, tình cảm nồng nhiệt cháy bỏng của trái tim và sự thôi thúc của lý trí. Điều đó cũng đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nắm vững những giá trị cơ bản, bền vững cũng như phát triển sáng tạo học thuyết của Người để phục vụ cho cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của thời đại: Hoà bình, Độc lập, Dân chủ, Công bằng và Tiến bộ xã hội.

Đối với nhân dân Việt Nam và tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới, chủ nghĩa Mác vẫn là chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất. Học thuyết của  Người nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp mà ở đó, "sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" mãi mãi là ngọn đuốc sáng ngời dẫn dắt giai cấp cần lao và nhân loại tự giải phóng mình khỏi ách áp bức và bóc lột, tiến lên xây dựng một xã hội mới tốt đẹp.

Nguyễn Bá Cường
Tập san Đại học Sư phạm Hà Nội, số 19/2006


 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?