Nhà triết học Immanuel Kant

Immanuel Kant, đọc là Kantơ[1] (sinh ngày 22 tháng 4 năm 1724 tại Königsberg; mất ngày 12 tháng 2 năm 1804 tại Königsberg) được xem là triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: "tiền phê phán" và sau năm 1770 là "phê phán".[1] Học thuyết "Triết học siêu nghiệm" (Transzendentalphilosophie) của Kant đã đưa triết học Đức bước vào một kỉ nguyên mới. "Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và toả sáng lên trên những gì đi sau", như nhận xét của triết sử gia J. Hirschberger.

Cuộc đời
Immanuel (tên trên giấy rửa tội là Emanuel) Kant là người con thứ tư của Johann Georg Kant (1683–1746), người chuyên nghề chế biến đai da, và bà Anna Regina (1697–1737), thuộc họ Reuter. Ông có tám anh chị em, nhưng chỉ bốn người đạt tuổi thành niên. Gia đình ông rất sùng đạo, với bà mẹ có một cái nhìn rất phóng khoáng về giáo dục. Ông nhập học tại trường trung học Friedrichskollegium năm 1732, được đào tạo tại đây và năm 1740 đã bắt đầu chương trình cao học tại Albertina, đại học tại Königsberg. Mặc dù đăng kí bộ môn Thần học nhưng Kant lại rất quan tâm đến Khoa học tự nhiên. Giáo sư bộ môn Luận lí học và Siêu hình học Martin Knutzen giúp ông làm quen với học thuyết của Leibniz và Newton.

Immanuel Kant thời trung niên
(Nguồn Wikipedia)


Năm 1748 Kant tạm đình chỉ chương trình học vì tác phẩm "Tư duy về sự cảm kích chân chính các lực có sức sống" (Gedanken von der wahren Schätzung der lebendigen Kräfte) không được vị thầy sùng tín của mình là Knutzen công nhận là luận án tốt nghiệp. Ông rời Königsberg và mưu sinh bằng cách dạy học tại gia, lần đầu tiên đến năm 1750 nơi Daniel Ernst Andersch, một nhà truyền đạo (thời gian hoạt động 1728–1771) tại Judtschen, thuộc Gumbinnen, một thuộc địa Thuỵ Sĩ bao gồm những di dân nói tiếng Pháp. Ông được liệt kê trong sổ sinh tử giáo khu là một giáo phụ (Taufvater). Sau đó, đến khoảng năm 1753, ông làm thầy giáo tại gia trên trại điền của thiếu tá Bernhard Friedrich von Hülsen tại Groß-Arnsdorf thuộc thành phố Mohrungen. Chỗ làm việc thứ ba của ông nằm gần Königsberg, tại gia đình Keyserlingk ở lâu đài Waldburg-Capustigall. Gia đình này cũng giúp ông gia nhập giới quý tộc tại Königsberg.
Năm 1754, Kant trở về Königsberg và tiếp tục chương trình đại học của mình (Knutzen lúc đó đã qua đời). Chỉ một năm sau đó, 1755, ông công bố tác phẩm quan trọng đầu tiên của mình với nhan đề Thông sử tự nhiên và Thiên thể luận (Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels); cũng trong năm đó, ông được bổ nhiệm phó giáo sư tại Königsberg và bắt đầu dạy nhiều bộ môn. Ông dạy các môn như Luận lí, Siêu hình, Nhân loại, Triết học đạo đức, Thần học tự nhiên, Toán, Vật lí, Lực, Địa lí, Sư phạm, và Luật tự nhiên. Các giáo trình của ông rất được hâm mộ, và Johann Gottfried Herder, người đã tham dự giáo trình trong những năm 1762–1764 thuật lại như sau: Bản mẫu:Cqupte


Văn bia của Kant tại đại học Kaliningrad
Nguồn Wikipedia


Lần nộp đơn đầu tiên xin dạy Luận lí học (Logik) và Siêu hình học (Metaphysik) vào năm 1759 của ông bị khước từ. Ông từ chối lời mời dạy Thi ca năm 1762. Và cũng như thế, ông từ khước những cơ hội nhậm chức giáo sư tại Erlangen năm 1769 và tại Jena năm 1770, trước khi nhận lời mời dạy môn Luận lí học và Siêu hình học tại đại học Königsberg chính trong năm này, đại học tâm đắc nhất của ông. Ông cũng cương quyết từ chối lời mời dạy tại đại học Halle nổi danh với lương bổng cao hơn rất nhiều vào năm 1778, mặc dù bộ trưởng Bộ văn hoá giáo dục bấy giờ là Karl Abraham Freiherr von Zedlitz khẩn khoản thỉnh cầu. Kant là hiệu trưởng đại học Königsberg năm 1786 và 1788. Năm 1787, ông được cử vào Học viện khoa học Phổ (Preußische Akademie der Wissenschaften) tại Berlin. 15 năm cuối đời của ông được đánh dấu bởi sự xung đột với Bộ kiểm tra chế độ (Zensurbehörde) với người đứng đầu là vị bộ trưởng Bộ văn hoá giáo dục mới là Johann Christoph von Wöllner – người kế thừa von Zedlitz – được vua nước Phổ lúc bấy giờ là Friedrich Wilhelm II bổ nhiệm. Kant tiếp tục dạy đến năm 1796, nhưng nhận chỉ thị là không nên công bố các tác phẩm tôn giáo vì chúng hàm dung tư tưởng Thần giáo tự nhiên (deistisch), phản kháng thuyết Tam vị nhất thể (Sozinianismus) và như vậy, không phù hợp với Thánh kinh. Người bạn của ông, nhà phát hành của tờ nguyệt san Berlinischen Monatsschrift tại Berlin Johann Erich Biester, kiến nghị với nhà vua nhưng bị khước từ.


Kant thường được miêu tả là một giáo sư cứng nhắc, ép mình vào một thời khoá hằng ngày, luôn tập trung vào công việc vì rất có tinh thần trách nhiệm. Nhưng bức ảnh được tô màu quá đậm. Kant là một người chơi bài khá giỏi thời sinh viên, ông thậm chí kiếm thêm tiền học bằng đánh billard. Ở những nơi thường hội họp viếng thăm, ông được xem là một người ga lăng, ăn mặc hợp thời trang và tạo ấn tượng của một người rất am tường sách vở và nhớ được vô số những mẩu truyện ngắn thú vị. Những mẩu truyện đó thường được ông kể một cách tỉnh khô, với một thái độ khôi hài thật sự trong những câu truyện được lặp lại.[2] Johann Gottfried Herder được Kant khuyên là không nên ấp ủ sách vở nhiều quá. Còn Johann Georg Hamann thì lo ngại là Kant không làm việc đủ vì "bị lôi kéo bởi một xoáy lốc phân tán giao lưu" ("einen Strudel gesellschaftlicher Zerstreuungen fortgerißen"). Chỉ khi bước vào tuổi 40 và sau khi nhận thức được là phải gìn giữ sức lực, ông mới giữ thời gian biểu đều đặn: Sáng sớm thức dậy lúc 5:00 giờ và đi ngủ lúc 22:00. Ông thường mời bạn đến ăn trưa cùng và rất thích xã giao, nhưng lại tránh những chủ đề triết học. Ngoài ra, ông đi dạo mỗi ngày vào đúng 4 giờ chiều.
Trong tác phẩm Về Lịch sử tôn giáo và Triết học tại Đức (Zur Geschichte der Religion und Philosophie in Deutschland), Heinrich Heine đã khôi hài gán cho Martin Lampe, người hầu lâu năm của Kant và cũng là một cựu chiến binh, một ảnh hưởng đến triết học của Kant :
"Ông lão Lampe phải có một Thượng đế, vì nếu không thì con người đáng thương này không thể hạnh phúc được – lí tính thực tiễn nói như vậy. Và theo tôi, lí tính thực tiễn có thể đảm bảo sự tồn tại của Thượng đế qua cách đó. Vì luận cứ này mà Kant phân biệt giữa lí tính lí thuyết và lí tính thực tiễn. Và với lí tính thực tiễn này, như thể với một cây đũa thần, ông đã hồi sinh cái xác của Thần giáo tự nhiên mà lí tính lí thuyết đã hạ sát." (Der alte Lampe muss einen Gott haben, sonst kann der arme Mensch nicht glücklich sein – das sagt die praktische Vernunft – meinetwegen – so mag auch die praktische Vernunft die Existenz Gottes verbürgen. Infolge dieses Arguments unterscheidet Kant zwischen theoretischer und praktischer Vernunft, und mit dieser, wie mit einem Zauberstäbchen, belebt er wieder den Leichnam des Deismus, den die theoretische Vernunft getötet.)
Kant sống gần như suốt đời tại Königsberg, một thành phố rộng mở. Ông qua đời năm 1804, thọ gần 80 tuổi. Mộ của ông nằm tại Đại giáo đường Königsberg. Bia tưởng niệm ông nằm phía ngoài của Đại giáo đường.

Trước tác
Trước khi trình luận án tiến sĩ năm 1755, Kant sinh kế bằng dạy học tại gia và viết những luận văn triết học tự nhiên đầu tiên, như bài "Tư duy về sự cảm kích chân chính các lực có sức sống" (Gedanken von der wahren Schätzung der lebendigen Kräfte Bản mẫu:Kant), công bố vào 1749, và Thông sử tự nhiên và Thiên thể luận (Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels Immanuel Kant: AA I, 215–368[3]) năm 1755, trong đó ông trình bày một lí thuyết về sự hình thành các hệ thống hành tinh theo các định luật Newton (Kant-Laplacesche Theorie der Planetenentstehung). Cũng trong năm đó, ông trình luận án tiến sĩ về lửa (De igne (Immanuel Kant: AA I, 1–181[4])) và trình luận văn hậu tiến sĩ (Habilitationsschrift), một bài luận về những nguyên tắc đầu tiên của tri thức siêu hình (Nova dilucidatio).

Năm 1762, sau một vài tiểu luận, Kant công bố luận văn Luận cứ duy nhất khả hữu để thực chứng sự tồn tại của Thượng đế (Der einzige mögliche Beweisgrund zu einer Demonstration des Daseins Gottes) và trong đó, ông tìm cách chứng minh là tất cả những chứng minh sự tồn tại từ trước đến nay không đứng vững và phát triển một cách chứng minh sự tồn tại của Thượng đế mang tính chất bản thể học để cứu chữa những nhược điểm này.

Những năm sau đó được đánh dấu bởi một ý thức ngày càng tăng trưởng về vấn đề phương pháp của Siêu hình học truyền thống, đặc biệt được thể hiện trong tiểu luận có thể nói là giải trí nhất của Kant, Những giấc mơ của người thấy thần linh, được diễn giảng bằng những giấc mơ của siêu hình học (Träume eines Geistersehers, erläutert durch Träume der Metaphysik) năm 1766, được hiểu như một tác phẩm phê phán Emanuel Swedenborg. Trong tác phẩm "De mundi sensibilis atque intelligibilis forma et principiis" (Về mô thức và các cơ sở của thế giới cảm tính và thế giới khả niệm), xuất hiện năm 1770, Kant lần đầu tiên phân biệt khắt khe giữa tri thức các hiện tượng (Phaenomena) qua cảm năng (sinnliche Erkenntnis) và tri thức vật thể (Erkenntnis der Dinge) như chúng tự thể (an sich) là, bằng giác tính (Verstand, "Noumena"). Không gian và thời gian được ông xem là những trực quan thuần tuý (reine Anschauungen) thuộc về chủ thể (Subjekt), là tất yếu để sắp xếp các hiện tượng theo trật tự. Và như vậy, hai điểm trọng yếu của triết học phê phán sau này được chuẩn bị mặc dù phương pháp của Kant ở đây vẫn còn mang tính chất giáo điều và ông còn cho rằng, tri thức các vật tự thể bằng giác tính là một việc khả thi. Trong thập niên theo sau, Kant phát triển triết học phê phán mà không công bố của một luận văn quan trọng nào ("những năm yên lặng").

Khi Kant cho ra tác phẩm Phê phán lí tính thuần tuý (Kritik der reinen Vernunft) năm 1781 thì triết học của ông đã trải qua một biến đổi trọng đại – câu hỏi "siêu hình học như thế nào mới có thể là một khoa học" phải được giải đáp trước khi các câu hỏi siêu hình học được xử lí. Luận văn phê phán này xử lí tri thức tiên nghiệm (a priori), có nghĩa là một tri thức khả hữu đi trước tất cả những kinh nghiệm cụ thể, trong ba phần.
Trước hết là các dạng cảm năng tiên nghiệm (Sinnlichkeit a priori) - được xem ở đây là các trực quan thuần tuý (reine Anschauung) không gian và thời gian - đã đặt nền tảng cho toán học như một khoa học tiên nghiệm (apriorische Wissenschaft). Trong phần thứ hai, phần luận lí siêu nghiệm (transzendentale Logik), thì các khái niệm không tuỳ thuộc vào kinh nghiệm (erfahrungsunabhängige Begriffe), tức là các phạm trù (Kategorien), phải được áp dụng vào tất cả các đối tượng của kinh nghiệm một cách tất yếu. Qua việc áp dụng các phạm trù này thì một hệ thống xuất hiện với những nguyên tắc xác tín trên cơ sở tiên nghiệm, ví dụ như sự kết hợp nhân quả của tất cả các hiện tượng cảm năng, và qua đó, trình bày một lĩnh vực hợp lí của tri thức triết học. Các tri thức này phải là cơ sở của các ngành khoa học tự nhiên. Nhưng, với sự xác định các phạm trù này là những quy luật tất nhiên của sự kết hợp dành cho sự đồng nhất của các hiện tượng thì ta lại thấy rằng, những khái niệm này không thể được áp dụng cho các vật như chúng tự thể là (Noumena). Qua sự cố gắng (xuất hiện tất yếu trong lí tính con người) nhận thức được cái vô điều kiện (das Unbedingte) và sự cố gắng vượt qua tri thức cảm năng thì lí tính (Vernunft) sa lạc vào mâu thuẫn bởi vì không còn các tiêu chuẩn cho sự thật nào nữa ở đây. Các chứng minh siêu hình ví dụ như các chứng minh dành cho tính bất tử của linh hồn, tính vô biên của vũ trụ hoặc sự tồn tại của thượng đế là những gì không thể; những quan niệm của lí tính chỉ mang lợi ích trong vai trò khái niệm điều chỉnh và hướng dẫn tri thức kinh nghiệm.



Bị thúc đẩy bởi sự tiếp thụ chậm cũng như hiểu lầm nặng nề bản thứ nhất của Phê phán lí tính thuần tuý, Kant công bố bài Prolegomena với mục đích dẫn nhập triết học phê phán một cách dễ hiểu. Luân lí của ông, chỉ được đề cập sơ qua trong những chương cuối của Phê phán lí tính thuần tuý, được ông phát huy trong tác phẩm Đặt cơ sở cho nhân luân siêu hình học vào năm 1785 (Grundlegung zur Metaphysik der Sitten), với lệnh thức tuyệt đối (kategorischer Imperativ) là nguyên lí của luân lí (Ethik), và quan niệm tự do, cái chưa được chứng minh trong phê phán thứ nhất dành cho lí tính lí thuyết, được biện hộ là điều kiện tiên quyết tất nhiên của lí tính thực tiễn.

Kant cũng quay về những vấn đề triết học tự nhiên và năm 1786, ông cho ra luận văn Những cơ sở sơ khai siêu hình của Khoa học tự nhiên (Metaphysischen Anfangsgründe der Naturwissenschaft), đặt cơ sở cho vật lí Newton bằng nguyên lí phê phán, và như qua đó, đưa ra một ví dụ cụ thể cho việc áp dụng triết học siêu nghiệm.

Sau khi chỉnh lí lại các thành phần của Phê phán lí tính thuần tuý cho lần ấn bản thứ hai vào năm 1787, ông cho ra tác phẩm Phê phán lí tính thực tiễn (Kritik der praktischen Vernunft), giải thích và phát triển phương pháp "lập cơ sở" (Grundlegung) đạo đức triết học và cuối cùng, vào năm 1793, ông công bố luận văn Phê phán năng lực phán đoán (Kritik der Urteilskraft). Trong lời nói đầu của tác phẩm, ông tuyên bố một cách hãnh diện là với luận văn này, công trình phê phán của ông đã được kết thúc và ông có thể "thẳng bước đến học thuyết" ("ungesäumt zum doktrinalen"), tức là phát triển một hệ thống Triết học siêu nghiệm (Transzendentalphilosophie).

Nhưng trước khi thực sự phát triển thì ông còn cho ra tác phẩm Tôn giáo trong phạm vi lí tính đơn thuần (Die Religion innerhalb der Grenzen der bloßen Vernunft). Trong đó, ông nghiên cứu nội dung lí tính của tôn giáo, và giải thích cách tiếp cận của một tôn giáo lí tính mang tính chất đạo đức thực tiễn (Ansatz einer moralisch-praktischen Vernunftreligion) như nó đã được học thuyết giả định trong phê phán thứ hai và thứ ba phát triển. Năm 1797, phần thứ nhất của hệ thống, luận văn Nhân luân siêu hình học (Metaphysik der Sitten), ra đời.

Nhưng công trình phát triển triết học tự nhiên của ông bị gián đoạn. Ngay trong thời gian viết Nhân luân siêu hình học, ông cũng đã khởi công soạn Chuyển biến từ những cơ sở sơ khai siêu hình đến vật lí (Übergang von den metaphysischen Anfangsgründen zur Physik) và theo đuổi nó cho đến khi qua đời năm 1804. Các bản thảo của Kant cho thấy rằng, ông vẫn còn khả năng và sẵn sàng biến chuyển triết học phê phán của mình. Xuất phát từ vấn đề biện hộ những phương châm nghiên cứu mang tính chất quy định đặc thù của Khoa học tự nhiên, Kant tự thấy phải khảo sát kĩ hơn vai trò của thân thể con người trong tri thức. Nhưng vấn đề của công trình nghiên cứu này ngày càng chuyển đến những tầng cấp trừu tượng hơn trong quá trình phác thảo nên Kant đã quay lại tầng cấp hệ thống tương ưng phê phán lí tính thuần tuý, tuy không hẳn tương ưng cách đặt vấn đề trong đó (và chúng cũng khó được nhận ra vì trạng thái của các bản viết tay). Kant phát triển một "học thuyết tự đề cử" (Selbstsetzungslehre), triển khai nó đến lí tính thực tiễn và kết thúc nó với những bản phác thảo cho một "hệ thống triết học siêu nghiệm" (System der Transzendentalphilosophie) được phác hoạch mới; nhưng ông không hoàn tất nó được nữa.

(Nguồn Wikipedia)
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?