Những đỉnh cao chỉ huy – Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới


Командные высоты (tiếng Việt dịch là Những đỉnh cao chỉ huy) là tựa đề một bài diễn văn của V. I. Lenin. Lenin sử dụng khái niệm này trong báo cáo đọc tại Đại hội lần thứ 4 của Quốc tế Cộng sản để nói về những ngành kinh tế có thể kiểm soát được hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành khác. Thực ra đây là một thuật ngữ quân sự chỉ những điểm cao quan trọng mang tính chi phối chiến trường, gọi là cao điểm chiến lược.

Lenin nói: "Chúng tôi buộc phải đi đường vòng. Chủ nghĩa tư bản nhà nước như chúng tôi đã thiết lập trong nước là một chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt. Nó khác với khái niệm thông thường về chủ nghĩa tư bản nhà nước. Chúng tôi nắm tất cả những đỉnh cao chỉ huy".

Phải chăng chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt này chính là xuất xứ của khái niệm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng được Lenin gọi thẳng là chủ nghĩa tư bản nhà nước? Chỉ tiếc là sau đó Lenin mất nên không rõ lý thuyết và thực tiễn cụ thể của chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt này như thế nào, có hoạt động được không?

Năm 1998, Daniel Yergin và Joseph Stanislaw đã dùng thuật ngữ Những đỉnh cao chỉ huy làm tiêu đề cho cuốn sách của mình: Commanding Heights: The Battle for the World Economy, mà các bạn đang có bản tiếng Việt trong tay.

Chúng tôi xin cám ơn ông Trần Đình Thiên và nhóm dịch của ông Phạm Quang Diệu đã dịch và giới thiệu cho NXB Tri thức cuốn sách rất hấp dẫn này. Trong quá trình chuẩn bị bản thảo, các anh chị Nguyễn Cảnh Bình, Phạm Hồng Tiến, Nguyễn Thu Trang và Phan Huyền Dân đã tham gia bổ sung và hiệu đính bản dịch để cuốn sách có được diện mạo như ngày hôm nay, chúng tôi xin chân thành cám ơn.

Chúng tôi cũng đã cố gắng chú giải hầu hết những nhân vật, địa điểm và sự kiện được đề cập trong sách để bạn đọc thuận lợi cho quá trình theo dõi. Những chú thích nào của tác giả, chúng tôi đều ghi rõ đó là của tác giả. Ngoài ra, chúng tôi cũng lược bớt phần Chỉ dẫn và Chú thích các tài liệu tham khảo trong cuốn sách gốc vì quá dày và phức tạp. Những độc giả muốn tìm hiểu kỹ hơn phần này có thể tra cứu sách gốc.

Và cuối cùng, do đây là một cuốn sách lớn và đồ sộ với phạm vi trình bày các sự kiện trải rộng trên khắp thế giới trong suốt thế kỷ XX cũng như mức độ phức tạp của cuốn sách, cùng với năng lực và kiến thức còn nhiều hạn chế nên trong quá trình biên tập và hiệu đính cuốn sách này, chúng tôi chắc hẳn không thể tránh khỏi những sai sót. Chúng tôi rất mong nhận được những đóng góp ý kiến và chỉnh sửa của bạn đọc để lần tái bản mới sẽ hoàn chỉnh hơn.



LỜI GIỚI THIỆU

Cách đây 8 năm (năm 1998), công trình nghiên cứu Từ thần kỳ tới khủng hoảng - những bài học có ích cho Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Hà Nội về cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Á 1997-1998 đã đưa ra một khuyến cáo gây sự chú ý đặc biệt. Đó là khuyến cáo về “thất bại nhà nước” trong việc điều hành nền kinh tế thị trường, được UNDP coi là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của hàng loạt nền kinh tế “thần kỳ” ở Đông Á. Đối với nhiều người trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách ở Việt Nam lúc đó, lời cảnh báo này có phần gây “sốc”. Đơn giản vì nó đưa ra một luận điểm khá mới mẻ so với nhận thức phổ biến trong xã hội, mang tính chuẩn mực giáo khoa nhưng lại khá thiên lệch, quy mọi thứ bất ổn xảy ra trong nền kinh tế thị trường cho cái gọi là “thất bại thị trường”. Công trình nghiên cứu này cho rằng “thất bại nhà nước” vẫn thường xảy ra và gây tai hoạ to lớn không kém “thất bại thị trường”.

Thực ra, câu chuyện “thất bại nhà nước” và “thất bại thị trường” hay mối quan hệ “nhà nước” - “thị trường” không phải chủ đề nghiên cứu mới hay của riêng công trình do UNDP thực hiện. Nó chỉ góp thêm một tiếng nói, rất thiết thực và bổ ích, trực tiếp cho người Việt Nam lúc đó mới “chập chững” bước vào kinh tế thị trường - một thị trường mới mở cửa (mới được mươi năm kể từ khi đổi mới), nhằm làm sáng tỏ thêm một vấn đề có thể coi là “xưa cũ”, một vấn đề đã từng đeo đẳng, giày vò loài người nhiều thế kỷ mãi cho tới tận ngày hôm nay.

Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay cũng là một công trình được viết trong nỗi ám ảnh của sự giày vò đó. Nó cũng bàn về vấn đề “nhà nước - thị trường”. Như hàng ngàn cuốn sách khác, nó bàn về một trong những vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất, gây nhiều “phiền hà” nhất, do đó, cũng là thú vị nhất của lịch sử phát triển nhân loại.

Nhưng dù là bàn về một chủ đề “xưa cũ”, đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc đáng đọc vì giá trị xuyên suốt lịch sử vấn đề, vì sự mổ xẻ kỹ càng bản chất vấn đề từ các chiều cạnh khác nhau của nó đáng đọc vì tính mục đích và tính định hướng tương lai của cuốn sách. Tựa đề cuốn sách: Những đỉnh cao chỉ huy - Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới - đã bao hàm những giá trị đó. Đọc một cuốn sách có độ dày hơn 800 trang, trong thời đại mà "văn hoá nghe nhìn" đang lấn lướt "văn hoá đọc hiểu", lại về một chủ đề không mới, quả thật là mạo hiểm. Nhưng khi đã cầm cuốn sách và đọc nó, mọi người sẽ thấy ngay từ trang đầu tiên rằng đó là một sự mạo hiểm đáng giá. Hơn 800 trang là độ dày cần thiết và có thể chấp nhận. Đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của cuốn sách, điều ta cảm nhận được sẽ là một bức tranh toàn cảnh đủ chân thực, rất phong phú và sinh động về lịch sử phát triển của loài người trong suốt thế kỷ XX, một thế kỷ biến động nhất của lịch sử, được dựng lên xuyên qua một cái trục quan trọng bậc nhất của nó là trục nhà nước - thị trường.

Như chính các tác giả viết, cuốn sách có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi lớn của lịch sử hiện đại: “Tại sao phải chuyển sang cơ chế thị trường? Tại sao và như thế nào mà sự chuyển đổi từ kỷ nguyên, trong đó, chính phủ các quốc gia luôn tìm cách nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế nhà nước sang kỷ nguyên với những ý tưởng về cạnh tranh, mở cửa, tư nhân hoá và bãi bỏ các phép tắc đã và đang thống trị tư tưởng kinh tế thế giới? Liệu những thay đổi này có phải là không thể đảo ngược? Chúng có phải là một phần của quá trình phát triển và tiến hoá liên tục? Hơn thế nữa kết quả và viễn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế của sự thay đổi căn bản này trong mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường là gì?”

Giải thích thêm cho việc lựa chọn những câu hỏi đó, cũng là để xác định một cách tiếp cận đến các câu trả lời, các tác giả cho rằng “ranh giới giữa chính phủ và thị trường không thể được phân định dứt khoát bởi một số cuộc hội thảo ôn hòa. Đây là chủ đề của các cuộc chiến lớn nhỏ về trí tuệ và chính trị trong suốt một thế kỷ. Các cuộc chiến nói chung đã tạo nên một trong những vở kịch lớn định hình thế kỷ XX. Ngày nay, mâu thuẫn giữa thị trường và sự kiểm soát của chính phủ đã trở nên sâu rộng đến mức đang làm thay đổi cả thế giới và làm nền cho thế kỷ XXI.”

Theo cách tiếp cận như vậy, cuốn sách chính luận này làm một cuộc khảo sát lại lịch sử tiến triển, cũng là sự thăng trầm, của các “đỉnh cao chỉ huy” trong sự giằng co nhà nước - thị trường, giúp nhận diện rõ hơn thực chất lý luận của quá trình này. Chúng ta sẽ tìm thấy qua các chương của cuốn sách những diện mạo khác nhau của nhà nước và thị trường. Đó là những diện mạo khác nhau trong các giai đoạn phát triển của lịch sử, giữa các hệ thống chính trị - xã hội, giữa các châu lục với các nền văn hoá và truyền thống khác nhau, giữa các trường phái khác nhau. Chân dung lịch sử của nhà nước, cũng như của thị trường, được cuốn sách vẽ lại từ nhiều chiều cạnh, góc độ và trong mối tương quan so sánh.

Cuốn sách đáng trân trọng vì nó cung cấp một cái nhìn khách quan và công bằng về lịch sử, về một đối tượng có tầm quan trọng sống còn của lịch sử, về một mối quan hệ có một số phận rất thăng trầm, dễ bị phán xét một cách phiến diện, thiên lệch, theo kiểu “dậu đổ bìm leo”. Nhà nước và mối quan hệ nhà nước - thị trường trong đa số trường hợp, cho đến nay vẫn thường là “nạn nhân” của sự phán xét như vậy.

Cuốn sách cho người đọc thấy rằng nhờ nắm được “các đỉnh cao chỉ huy”, nhà nước đã từng đóng vai trò rất to lớn trong sự phát triển quốc gia. Vai trò này không chỉ thể hiện ở các nước xã hội chủ nghĩa - kế hoạch hoá tập trung trước đây mà còn đặc biệt rõ ràng trong các nền kinh tế thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, từ các nước phát triển cao nhất cho đến các nước kém phát triển. Các tác giả đã chứng minh không bác bỏ được rằng thậm chí ngay cả ở những nước tư bản phát triển nhất, tức là nơi có nhiều thị trường nhất, thì nhà nước cũng đã từng - và hiện vẫn đang - đóng vai trò to lớn, không chỉ là vai trò quan trọng mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển, trong những giai đoạn lịch sử xác định. Lịch sử các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, của các nền kinh tế thần kỳ Đông Á, của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, và của rất nhiều nước khác đã xác nhận điều đó. Dựng lại lịch sử, cuốn sách làm một việc là giúp người đọc thấy rõ hơn “bàn tay hữu hình”, tức là nhà nước, quan trọng đến nhường nào đối với loài người, cả trong hệ thống XHCN “cũ” lẫn hệ thống TBCN hiện đang tồn tại. Trong sự biện chứng của lịch sử, các chứng cứ thực tiễn được cuốn sách nêu ra khẳng định một điều: bàn tay vô hình của thị trường chỉ thực sự hữu ích một khi nó kết hợp với bàn tay hữu hình của nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Vì những công lao to lớn, nhà nước xứng đáng được nhận những bản tụng ca đẹp nhất. Cuốn sách đã đưa ra nhiều luận cứ, nhiều bằng chứng để chứng minh một cách thuyết phục nhận định đó. Người đọc, dù đứng trên lập trường nào, cũng sẽ cảm nhận được sự công bằng lịch sử của phán xét này.

Nhưng xét về bản chất, cuốn sách này được viết ra không phải để ngợi ca nhà nước. Nó không phải là bản tụng ca về nhà nước. Nó mổ xẻ thực tiễn và chứng tỏ rằng bên cạnh những "công lao" to lớn, nhà nước còn phạm không ít sai lầm, gây ra nhiều hậu quả, kể cả những hậu quả làm rung chuyển lịch sử. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới dựa trên nền tảng cơ chế kế hoạch hoá tập trung hay gần đây hơn, cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế "thần kỳ" của Đông Á cách đây một thập niên là những ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó. Những sai lầm của nhà nước, như cuốn sách chỉ ra, hiện diện trong tất cả các hệ thống kinh tế, ở khắp các châu lục, trong mọi giai đoạn phát triển và có nguồn gốc lý luận từ các quan niệm khác nhau về vai trò của nhà nước và thị trường.

Tất nhiên, kể ra đầy đủ, toàn diện “lỗi lầm” của các loại nhà nước không phải là cách mà các tác giả sử dụng để xoá nhoà các ranh giới, làm mờ đi bản chất của nhà nước. Mục tiêu của cuốn sách là rõ ràng: cần phải chỉ ra thất bại nhà nước mà không bị sự chi phối của các thiên kiến, làm rõ các nguyên nhân lịch sử của chúng để giúp nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả hơn.

Thiết nghĩ cuốn sách đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Nhưng cũng cần nói thêm rằng đây là cuốn sách dựng lại chân dung lịch sử để hướng tới tương lai.

Đối diện với loài người là một thế giới ngày càng toàn cầu hoá. Trong thế giới đó, không gian thu hẹp lại, thời gian được rút ngắn lại, các hàng rào biên giới hạ thấp, và thế giới trở thành một "ngôi làng". Khi đó, nền kinh tế thị trường vận hành với nhiều quy tắc mới. Toàn cầu hoá, như các tác giả viết, là một thách thức đối với nhà nước. Vì vậy mà vai trò và chức năng của nhà nước chắc chắn cũng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ. Quyền lực nhà nước bị giới hạn trong phạm vi quốc gia có thể sẽ xung đột với quá trình toàn cầu hoá các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Khi đó, câu hỏi đặt ra sẽ là: "những đỉnh cao chỉ huy" mà các nhà nước - quốc gia luôn muốn chiếm lấy để "khống chế" nền kinh tế thị trường liệu có những giá trị nào? Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình phát triển mang tính toàn cầu với những công cụ và phương cách nào?

Đó là những câu hỏi rất lớn đang đặt ra. Cũng là về nhà nước - thị trường, về "những đỉnh cao chỉ huy" nhưng với nội dung rất mới. Cuốn sách tiếp cận đến các câu hỏi này không chỉ để gợi suy. Nó còn là những câu trả lời. Có thể những câu trả lời hãy còn xa mới đầy đủ và đúng đắn. Song tất cả những gì hiện có trong cuốn sách là rất bổ ích, cả từ góc độ nhận thức luận lẫn phương pháp luận.

Đối với Việt Nam chúng ta, một đất nước đã 20 năm đi vào quỹ đạo phát triển kinh tế thị trường và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình này, nhiều "đỉnh cao chỉ huy" đã được Nhà nước bàn giao lại cho Thị trường. Nhờ đó, nền kinh tế đã gặt hái được nhiều thành công ngoạn mục. Nhưng dường như quá trình này vẫn chưa hoàn thành. Khuynh hướng muốn "giành lại", "ôm chặt" lấy các "đỉnh cao chỉ huy" vẫn còn rất mạnh. Trên thực tế, vẫn đang tồn tại tình trạng "thiếu và thừa" nhà nước. Thiếu ở nơi cần, thừa ở nơi đã đủ. Đó là một nghịch lý phát triển mà chúng ta đang chấp nhận và phải trả giá. Tham nhũng, hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chậm được cải thiện, cải cách thị trường bị phanh hãm, v.v… có nguồn gốc từ nghịch lý này.

Giờ đây, khi quá trình cải cách thị trường vẫn chưa hoàn thành, nền kinh tế nước ta lại bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất: hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Cơ hội nhiều hơn, lớn hơn. Nhưng rủi ro, thách thức cũng gay gắt và khốc liệt hơn. Số phận của nền kinh tế đang tuỳ thuộc vào chỗ cái nào trong số đó - cơ hội hay thách thức - sẽ trở thành hiện thực sớm hơn.

Chắc chắn trong việc giải quyết vấn đề sinh tử này, Nhà nước sẽ đóng một vai trò lớn chưa từng thấy. Nhưng vai trò đó thực sự là gì? Và bằng cách nào để thực hiện nó đúng đắn?

Những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình cải cách hành chính, hay rộng hơn, cải cách nhà nước và hệ thống chính trị, cho thấy rõ mức độ phức tạp của việc trả lời các câu hỏi mà đất nước đang bắt buộc phải trả lời đó.

Trong lộ trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, có thể tin rằng cuốn sách này là một người bạn tốt.



Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

 Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2006

 PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN

 VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?